Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Sáng nay (10/10), Bộ TT&TT lần đầu tiên tổ chức chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là hoạt động quan trọng nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, để doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.
Sự kiện có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại Chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là sự kiện quan trọng, được tổ chức lần đầu tiên, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính Nhà nước.
Thời gian qua, việc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực: Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển; cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy; Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường; Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia của chúng ta", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Còn nhiều việc phải làm phía trước
Ghi nhận những kết quả trong quá trình chuyển đổi số đã có thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Cũng trong dịp này, Thủ tưởng đã gửi tới người dân, cũng như cộng đồng doanh nghiệp Thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
Đầu tiên là tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của tổ chức quốc tế.
Tiếp đó là nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.