Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ nêu ba đột phá chiến lược cho sự phát triển

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời chất vấn, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Nam Định) khẳng định, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Nam Định) đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. 
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Nam Định) đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vẫn còn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì? Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thì vẫn còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn là cản trở cho sự phát triển.

Vì vậy, đại biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì và giải pháp gì để xử lý những tồn tại, hạn chế nêu trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các đột phá chiến lược, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong ba đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá này mà cần đảm bảo hài hòa, hợp lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, có tình trạng thủ tục hành chính còn rườm ra, cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, vì vậy giải pháp trong thời gian tới là đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức và tăng cường giáo dục, truyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Các bộ, ngành tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục còn rườm rà, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên. Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, tăng chế tài xử lý; đồng thời, cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Phân cấp, phân quyền chưa đáp ứng được mong muốn của người dân

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên?

Trả lời đại biểu Nguyễn Lâm Thành liên quan đến phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp.

Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn của cử tri và Nhân dân.

Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp phân quyền; năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn, việc mới còn khó khăn; việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên công tác này chưa đạt yêu cầu đề ra.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

Tiếp tục đường lối đối ngoại, tự chủ

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đánh giá cao về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong thời gian qua, đặc biệt là thời gian gần đây đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực, thúc đẩy thương mại đầu tư, đặc biệt là nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024 và trong thời gian tới để thích ứng với tình hình quốc tế đã và đang diễn biến phức tạp, bất thường và bất định?

Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai liên quan đến định hướng đường lối đối ngoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Chúng ta triển khai đường lối đối ngoại cũng xác định ưu tiên các bạn bè truyền thống, các nước lớn. Thời gian qua, chúng ta đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, thực hiện nghiêm túc và đạt được hiệu quả quan trọng, là điểm sáng để tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thu hút nguồn lực đầu tư. Đường lối đối ngoại góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng cho biết, gần đây chúng ta đã và đang nâng cấp quan hệ với các nước, đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; 20 nước G20.

Năm 2024, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và đang xây dựng chương trình đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế để triển khai chủ trương của Đảng và Ban Bí thư về kinh tế đối ngoại…

Đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động

Với câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Thủ tướng cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vừa qua, do đại dịch Covid-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 ngàn tỷ chi cho cải cách tiền lương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Đồng thời, song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.

Hiện đại hóa lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy chữa cháy

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cho biết, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Điển hình như vụ cháy "chung cư mini" tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp như nào để chấn chỉnh tình trạng này?

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời chất vấn về công tác phòng cháy chữa cháy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ rất thương tâm trong (cháy chung cư mini, cháy quán karaoke…)… Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ cũng đã có những biện pháp, giải pháp ngăn chặn.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân (hiểu biết, kỹ năng phòng và chống); tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp uỷ; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, quy hoạch các vấn đề liên quan.

Đồng thời huy động sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội vào công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là thực hiện hiện đại hóa lực lượng nòng cốt về phòng cháy, chữa cháy…

Du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại thành công và lợi ích trong tương lai. Thời gian qua, ngành đạt được nhiều kết quả nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. “Đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng giải pháp đảm bảo nguồn lực tài nguyên, vốn, công nghệ, con người để phát triển ngành du lịch” - Đại biểu nêu câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn về phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng thực tế du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như kỳ vọng của đồng vào và cử tri cả nước. Nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách, nhân lực, quy hoạch, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển; chuẩn bị nguồn lực và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đồng thời có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.