Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hoạt động thanh tra công vụ, đánh giá thực tiễn chính sách pháp luật không hình sự hóa quan hệ kinh tế; đặc biệt ngành Thanh tra và các cơ quan chức năng không thanh tra chồng chéo để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chiều 12/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành Thanh tra năm 2021. Tham dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc. Dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

7 người nộp lại quà tặng cho đơn vị

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng...

Đặc biệt, đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra dư luận xã hội quan tâm như: Thanh tra toàn diện Công ty Cổ phần phân đạm và hoá chất Hà Bắc; thanh tra Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng), dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II và chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du (Hà Nội); kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý quy hoạch, giao đất, thực hiện đầu tư của các dự án thuộc khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh)...

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 384.435 lượt công dân (giảm 17,4% so với năm 2019); có 3.479 lượt đoàn đông người (giảm 18%); xử lý 180.204 đơn đủ điều kiện; giải quyết 22.133 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 85,6%. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 894 tỷ đồng, trên 107 ha đất; trả lại quyền lợi cho 993 người, kiến nghị xử lý hành chính 503 người, chuyển cơ quan điều tra lý 3 vụ, 3 đối tượng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: Thái San 

Về công tác phòng, chống tham nhũng, qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.956 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 55 đơn vị có vi phạm; tiến hành 2.421 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 374 vụ việc với 482 người vi phạm, đã xử lý kỷ luật 36 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 74 tỷ đồng. Có 7 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với giá trị quà tặng là 305 triệu đồng...

Không thanh tra chồng chéo để tạo môi trường đầu tư

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong năm 2020, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, công tác thanh tra đã bám sát định hướng và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung cao, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng được Nhân dân tin tưởng; trong đó, tinh thần trách nhiệm, triển khai giải quyết, nhất là công tác phòng chống tham nhũng đã có những đột phá, làm cơ sở cho Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng xử lý vi phạm.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành. Cùng đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong ngành Thanh tra; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; quán triệt ý thức, trách nhiệm cho cán bộ. “Tuy nhiên, hoạt động thanh tra công vụ, đánh giá thực tiễn chính sách pháp luật không hình sự hóa quan hệ kinh tế; đặc biệt ngành Thanh tra và các cơ quan chức năng không thanh tra chồng chéo để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần