Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển nhanh, phát triển cao nhưng phải bền vững

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Năm 2018, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế, nhìn toàn diện những mặt làm được và những tồn tại của một thập niên qua để thấy đã có bước phát triển nhưng còn nhiều việc để làm trong thập niên tới” – Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 với chủ đề của hội nghị năm nay là “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”.

Sẽ có Nghị quyết sát thực

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những ý kiến đóng góp là sắc sảo và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. 

Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định, sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững năm 2019 với những nội dung mới hơn, sát thực tế hơn trong bối cảnh mới. Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển. Do đó, chủ trương phát triển bền vững đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Như Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Thủ tướng khẳng định, phát triển nhanh, phát triển cao nhưng phải bền vững, vì không phát triển nhanh là sẽ tụt hậu, đi sau các nước, phải phát triển tốc độ cao để nâng cao vị thế Việt Nam, nhưng phải khẳng định phát triển phải bền vững.

Dù được đánh giá cao, song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn nhiều việc để làm trong thập niên tới. Trong đó, phát triển nhanh, phát triển cao nhưng phải bền vững. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, các chỉ số về xoá đói giảm nghèo, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu… của Việt Nam đều được quốc tế đánh giá cao (98,9% người dân được sử dụng điện). Tuy nhiên, chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Chênh lệch giữa các nhóm dân cư, vùng miền còn lớn. Việc sử dụng tài nguyên còn chưa đảm bảo vấn đề môi trường.

“Năm 2018, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế. Nhìn toàn diện những mặt làm được và những tồn tại của một thập niên qua để thấy đã có bước phát triển nhưng còn nhiều việc để làm trong thập niên tới” - Thủ tướng chỉ ra.

Đưa con người vào trung tâm

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thứ nhất, thống nhất về nhận thức và hành động các cấp, ngành về phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực. Mục tiêu duy nhất đưa con người vào trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững. “Chúng ta đã có quá nhiều chiến lược phát triển, do đó chưa tập trung được nguồn lực. Đề nghị các bộ ngành và địa phương nghiên cứu đưa ra chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 với các nhiệm vụ cụ thể” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đến dự Hội nghị.

Thứ hai, tăng tốc quá trình hoàn thiện thể chế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu,…đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Chính phủ khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng. Thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, dự án nước…

Thứ ba, nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Thay đổi công nghệ lớn thì nguồn nhân lực đáp ứng được công nghệ là yêu cầu tất yếu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (giữa) và các đại biểu dự Hội nghị. 

Thứ tư, đẩy nhanh tính hiệu quả của các cơ quan, thúc đẩy sáng tạo đổi mới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thứ năm, xây dựng cơ chế khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới mô hình kinh tế không rác thải. Cần có các chính sách khuyến khích hoạt động sản xuất, tái sản xuất theo mục tiêu phát triển bền vững. Thứ sáu, toàn cầu hoá với công nghệ làm thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, những giá trị văn hoá là giá đỡ cho sự phát triển lâu dài.

5 sáng kiến tiêu biểu phát triển bền vững

Sáng kiến 1: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam

Sáng kiến 2: Không xả thải vào thiên nhiên

Sáng kiến 3: Dự án hợp tác phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng

Sáng kiến 4: Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải để làm đường giao thông

Sáng kiến 5: Xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp Việt Nam

Với những yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ KH&ĐT phối hợp các đơn vị liên quan trình Chính phủ trong tháng 10/2019, đây là nghị quyết với các kế hoạch cụ thể. Thủ tướng đồng thời, yêu cầu các Bộ ngành, địa phương kiểm tra việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững đặc biệt là phát triển con người, bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hoá. Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo VCCI đã trao tới Thủ tướng Cúp năng suất và bản cam kết của các doanh nghiệp tiên phong trong xử lý chất thải nhựa nhằm hưởng ứng phong trào năng suất do Thủ tướng phát động vừa qua, thể hiện sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ để triển khai thành công nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Cúp năng suất thể hiện cho sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong nâng cao năng suất.
Bản cam kết thực hiện 5 sáng kiến phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.

Sáng cùng ngày, diễn ra 3 hội thảo chuyên đề. Nội dung chính của các hội thảo này là những chủ đề trọng điểm được quan tâm hiện nay, đó là: Nhân rộng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, sử dụng tối ưu và hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu, sản phẩm và giá trị được tạo ra từ chúng, giảm thiểu thất thoát và lãng phí cho nền kinh tế; Thúc đẩy mô hình đối tác công tư giúp tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn, tối đa hóa giá trị nguồn đầu tư, hạn chế rủi ro và thúc đẩy sáng tạo trong trong thiết kế, thi công, kinh doanh và quản lý; Xây dựng nguồn vốn nhân lực trong thời đại mới và vai trò của Chỉ số Vốn con người, sự tham gia, điều phối của các chính phủ trong việc nâng cấp, cải thiện hạ tầng xã hội nhằm đầu tư hiệu quả hơn vào xây dựng nguồn

vốn nhân lực trong dài hạn.
Trong phiên toàn thể buổi chiều, các đại biểu đã nghe 5 báo cáo, cụ thể, Báo cáo 1: Các mục tiêu PTBV trong Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2020-2030; Báo cáo 2: Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân thông qua các mô hình kinh tế bền vững – kiến nghị từ các hội thảo chuyên đề buổi sáng; Báo cáo 3: Xây dựng nguồn vốn con người tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030 – phối hợp thực hiện với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo; Báo cáo 4: Đột phá khoa học công nghệ trong tiến trình phát triển bền vững 2020-2030; Báo cáo 5: Hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2020-2030

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần