Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 8 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Kon Tum, Vĩnh Long), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những nội dung trình Quốc hội là yêu cầu khách quan trong bối cảnh tình hình hiện nay của đất nước và tình hình thế giới khu vực diễn biến nhanh.
Trong nhiệm kỳ này, từ đại dịch Covid-19, hậu quả đại dịch; xung đột ở các khu vực trên thế giới, đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất, hậu quả của cơn bão Yagi… đều tác động tới nền kinh tế nước ta.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ 8, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Kon Tum, Vĩnh Long. Ảnh: Quochoi.vn](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/14/img-2971.jpeg)
Nhiệm kỳ này có sự thay đổi lãnh đạo nhiều, đặc biệt sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, là nước đang phát triển, sức chống chịu còn có hạn. Trong bối cảnh như thế nhưng chúng ta đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình phối hợp của Nhân dân và DN, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Trong đó, quan trọng nhất là giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát vào loại thấp của thế giới; thúc đẩy được tăng trưởng, như năm 2024 tăng trưởng vào loại cao trên thế giới và khu vực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Đầu tư nước ngoài tăng, cán cân thương mại tăng như năm 2024 vào top thứ 20 trên thế giới về hoạt động thương mại.
Vừa qua, chúng ta đón một cái Tết lành mạnh, vui tươi, cơ bản an toàn, phấn khởi. Nhà nhà có Tết, người người có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, cải cách bộ máy hành chính theo Nghị quyết 18 của Trung ương làm quyết liệt, cơ bản được nhân dân đồng tình ủng hộ, xã hội nhất trí, cả hệ thống chính trị vào cuộc làm rất nhanh. Trung ương làm gương, địa phương noi theo.
Năm nay chúng ta nói bứt phá, tăng tốc và về đích. Mặc dù rất khó khăn, nhưng khó mấy cũng phải làm, không làm không được. Tuy nhiên, càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực. Đó là truyền thống dân tộc ta và cũng là văn hóa, cốt lõi của đất nước. Càng áp lực càng nỗ lực, càng khó khăn càng đoàn kết thống nhất.
“Chính vì thế, Chính phủ thấy cần báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương có thể phấn đấu năm 2025 với các mục tiêu cao hơn, cụ thể tăng trưởng nâng lên 8% trở lên. Vừa qua, sau Hội nghị Trung ương, Chính phủ có nghị quyết giao ngay tăng trưởng cho các tỉnh, thành và các bộ ngành liên quan” - Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin.
Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược
Về giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để không gian sáng tạo cho bộ, ngành, địa phương, DN và các chủ thể liên quan sáng tạo thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Mọi người phải làm, tất cả phải vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cao thì phải tăng trưởng tín dụng cao, kết hợp chính sách tài khóa, tạo thuận lợi cho người dân, DN.
![Phiên thảo luận tại tổ 8, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Kon Tum, Vĩnh Long. Ảnh: Quochoi.vn](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/14ec4fdda1-f145-4eaa-93c1-b48b6a088810.png)
Một giải pháp nữa là thúc đẩy đầu tư công; vừa qua chúng ta gỡ được một số vướng mắc qua việc dùng 1 luật sửa 4 luật, 1 luật sửa 9 luật. Đầu tư công phải dẫn dắt đầu tư tư.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược. Trước hết, đột phá của đột phá là tháo gỡ thể chế. Tinh thần là vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đấy, vướng mắc lúc nào tháo gỡ lúc đó, thuộc thẩm quyền của ai thì người đó phải quyết.
Về đột phá hạ tầng cũng phải triển khai mạnh mẽ, trong đó có hạ tầng giao thông. Chính phủ trình một số dự án đường sắt mang tính chiến lược, cùng với đó xin một loạt cơ chế chính sách đặc thù để tiến độ làm nhanh, từ đó giảm chi phí, không đội vốn, không kéo dài. Tất nhiên phải thiết kế tăng cường giám sát, kiểm tra.
Để người dân được ấm no, hạnh phúc
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư tập trung, không dàn trải. Khi phân công phải rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm va rõ trách nhiệm; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy, tháo gỡ trong tổ chức thực hiện.
Việc cải cách tổ chức bộ máy không chỉ là cơ học mà mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho. Chúng ta cắt đi một cấp thì rõ ràng bớt đi 1 thủ tục hành chính, cộng với số hóa, nâng cao hiệu lực hiệu quả hiệu năng của bộ máy.
Sắp xếp tổ chức bộ máy để bố trí nhân sự phù hợp, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hướng tới cơ sở, cấp gần dân nhất để lo cho dân. Tại sao ta bỏ công an cấp huyện? Mỗi huyện có trên dưới 100 đồng chí, khi tổ chức lại thì một số rút lên cấp tỉnh, nhưng đa số chuyển xuống cấp cơ sở, cấp gần dân nhất.
“Mục tiêu cuối cùng là người dân phải được ấm no, hạnh phúc, đất nước phải hùng cường, thịnh vượng, văn minh, giàu mạnh” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Chiều 14/2, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.