Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Sóc Trăng

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 27/4, tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (tháng 4/1992 – tháng 4/2022), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và công bố TP Sóc Trăng đạt tiêu chí đô thị loại II. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và trao huân chương cho địa phương.

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, các tỉnh/thành cùng đông đảo người dân Sóc Trăng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mảnh đất an lành với sự cộng cư, giao hòa, gắn kết lâu đời của các dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, tạo nên cuộc sống hài hòa về kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo...

Đầu tháng 4/1992, tỉnh Sóc Trăng chính thức được tái lập. Thời điểm mới tái lập, tỉnh có nền kinh tế thuần nông quy mô nhỏ, đất đai hầu hết bị nhiễm phèn, mặn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Sau 30 năm phát triển, vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sóc Trăng đã đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, “vượt lên chính mình, băng qua gian khó”, biến thách thức thành cơ hội, vươn lên và đạt được những thành tựu quan trọng...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng, đồng thời biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, Sóc Trăng cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để bứt phá, phát triển nhanh, bền vững với tinh thần dựa vào nội lực là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ trao quyết định công nhận TP Sóc Trăng đạt tiêu chí đô thị loại II. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ trao quyết định công nhận TP Sóc Trăng đạt tiêu chí đô thị loại II. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh quán triệt nghiêm túc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Tập trung triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành sớm việc tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi...

Phải xác định sự phát triển của Sóc Trăng đặt trong yêu cầu phát triển chung của đất nước, của vùng theo Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, kết nối vùng, hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, nhất là hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng... đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, là cần thiết; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu triển khai các công trình, dự án trọng điểm, trong đó có cảng biển Trần Đề.

Cần chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, khai thác tối đa thế mạnh về nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất lúa chất lượng cao...

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự xâm nhập mặn, nước biển dâng.

Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, cải cách hành chính, đặc biệt là không làm tăng thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng phải thực hiện tốt chính sách với người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, giữ gìn, phát huy và khai thác hiệu quả giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của các dân tộc...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát thực tế khu quy hoạch cảng Trần Đề. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát thực tế khu quy hoạch cảng Trần Đề. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi khảo sát thực tế khu quy hoạch cảng Trần Đề tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt nhiệm vụ đến năm 2030 “hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng”.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định vị trí quy hoạch cảng của ngõ vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề do khu vực này nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ thuận lợi đến trung tâm vùng và các cảng biển, trung tâm logistics trong vùng đã và đang được đầu tư xây dựng.

Dự án cảng biển Trần Đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng toàn vùng ĐBSCL; có tính chất hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển.

Tại đây, Thủ tướng đã nghe báo cáo về kết nối giao thông khu vực ĐBSCL đến cảng biển Sóc Trăng, quy hoạch chi tiết bến cảng Trần Đề - cảng biển Sóc Trăng... Hiện, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển chung toàn quốc; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã tới thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Dự án có công suất 1.200 MW, được khởi công xây dựng tháng 9/2015. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2018, tổ máy 2 năm 2019. Nhưng thực tế, đến nay, không xác định được tiến độ cụ thể do tổng thầu nước ngoài gặp các khó khăn do chịu tác động từ tình hình thế giới.

Bước đầu tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc tại dự án và trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và động viên đội ngũ cán bộ, công nhân, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường trong khắc phục các khó khăn, vướng mắc, tìm ra hướng xử lý với dự án trong thời gian tới…