Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng cho ý kiến xử lý kiến nghị của Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội.

Thủ tướng giao Bộ GTVT hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với UBND TP Cần Thơ trong việc thực hiện xã hội hóa nghiên cứu chuyên sâu về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - sông Hậu
Thủ tướng giao Bộ GTVT hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với UBND TP Cần Thơ trong việc thực hiện xã hội hóa nghiên cứu chuyên sâu về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - sông Hậu

Trước đó, Văn phòng Quốc hội có các văn bản số 2821/TB-VPQH, số 2820/TB-VPQH, số 2819/TB-VPQH ngày 26/10/2023, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định pháp luật về một số kiến nghị, đề xuất của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Đối với kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, về hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án trọng điểm về giao thông và các công trình trọng điểm khác đang triển khai trên địa bàn TP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo UBND các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác chậm nhất trong năm 2023, tuân thủ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.

Bộ GTVT khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công điện số 794/CĐ-TTg ngày 12/9/2023) về việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án hạ tầng giao thông và công trình xây dựng khác.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện chuỗi dự án Khí - Điện lô B Ô Môn (bao gồm các dự án thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn), sớm khởi công các Nhà máy Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV.

Về việc hoàn thành thủ tục và bàn giao đất quốc phòng cho TP Cần Thơ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND TP Cần Thơ khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2023.

Bộ GTVT hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với UBND TP Cần Thơ trong việc thực hiện xã hội hóa nghiên cứu chuyên sâu về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - sông Hậu; định hướng tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện dự án; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá sản phẩm tận thu của dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện Đề án chung về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 148/TB-VPCP ngày 23/8/2023. Sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ GTVT hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương có liên quan (trong đó có TP Cần Thơ) nghiên cứu xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không, huy động nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển theo quy hoạch.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Cần Thơ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 11 năm 2023; trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT phối hợp, hỗ trợ UBND TP Cần Thơ hoàn thiện hồ sơ dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, về việc tỉnh Sóc Trăng thực hiện một số "Cơ chế đặc thù" trong khai thác cát biển, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá toàn diện tác động môi trường, đặc biệt là sự ổn định của đới bờ biển, nguy cơ gây xói lở bờ biển… để có cơ sở xem xét việc khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng hạ tầng (trong đó có việc san lấp khu logistics diện tích 4000 ha thuộc dự án Cảng Trần Đề), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2023.

Về hỗ trợ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng (gồm tuyến đê chắn sóng, nạo vét, thiết lập tuyến luồng hàng hải, vùng trả đón hoa tiêu) của dự án Cảng Trần Đề, UBND tỉnh Sóc Trăng làm rõ khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa và năng lực của nhà đầu tư, đề xuất phương án đầu tư, trong đó ưu tiên huy động nguồn vốn xã hội hóa. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, liên quan các chính sách khuyến khích phát triển văn hóa - xã hội và du lịch…Về ban hành chính sách đầu tư hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp; sớm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị này trong quá trình hoàn thiện quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.