Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Quỹ Tiết kiệm nhà ở được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến từ 1% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động.
Theo đề án, sau khi đóng góp người lao động sẽ được hưởng lãi suất từ 3 -5%/năm tùy theo giá trị đóng góp và đối tượng huy động.
Sau khi hình thành với giá trị nhất định, Quỹ sẽ được mở cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp kèm những quy định về đối tượng và điều kiện vay. Quỹ cũng sẽ dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, trước đây Bộ Xây dựng có ý định “ép” người lao động đang hưởng lương ngân sách và doanh nghiệp địa ốc phải đóng góp vào quỹ, song theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, việc đóng góp này hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng lưu ý, mặc dù Quỹ Tiết kiệm nhà ở có mục đích duy nhất là giúp người lao động có điều kiện để mua, thuê được nhà, song điều đó không có nghĩa là có Quỹ thì tất cả đều có nhà ở.
“Quỹ ra đời chỉ hỗ trợ một phần giúp người dân có thêm điều kiện tiếp cận với việc sở hữu nhà ở chứ không có trách nhiệm lo hết nhà ở cho người dân”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, với hơn 9 triệu người lao động đang hưởng lương hiện nay, chỉ cần góp 1% số lương mỗi tháng, hàng năm quỹ sẽ có không dưới 10.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể để cải thiện chỗ ở cho người dân.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích nhà ở lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300 - 400 nghìn tỷ đồng.