Thủ tướng duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao...

Ngày 29/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ban hành Quyết định 318 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Khu vực trung tâm TP Nha Trang - Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân.
Khu vực trung tâm TP Nha Trang - Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân.

Theo đó, GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế.

Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc…

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 8,3%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng; tăng trưởng năng suất lao động binh quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%. Tổng lượt khách du lịch đạt 13,8 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế và 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP.

Một huyện Cam Lâm được quy hoạch trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Trung Nhân.
Một huyện Cam Lâm được quy hoạch trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Trung Nhân.

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á, phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của châu Á với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời giữ gìn cảnh quan thiên nhiên nhất là môi trường biển và ven biển, là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050.

Cũng theo quy hoạch đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là TP Nha Trang và Đô thị mới Cam Lâm; một đô thị loại II là TP Cam Ranh; một đô thị loại III, hai đô thị loại IV và các đô thị loại V.

Trong đó, TP Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống...

 

Trong Quy hoạch này, tỉnh Khánh Hòa sẽ phát triển 4 hành lang kinh tế.

Trong đó, hành lang kinh tế Bắc - Nam là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối 03 vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cũng biển, cảng hàng không

Hành lang kinh tế Đông - Tây (trên cơ sở trục giao thông Quốc lộ 26, Quốc lộc 26B và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột): Kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk.

Hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh (trên cơ sở Quốc lộ 27C và cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Liên Khương (Lâm Đồng)): Tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ TP Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; kết nối khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với tỉnh Lâm Đồng.

Hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn (trên cơ sở đường ĐT.656): kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là TP Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển - đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa; kết nối giữa nông nghiệp - công nghiệp chế biến.