Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng kết thúc chuyến tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chương trình tham dự Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB) tại TP Bali, Indonesia và thăm làm việc tại Indonesia từ ngày 11-12/10.

Tại cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên IMF - WB, với chủ đề “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu”, các nhà lãnh đạo ASEAN và những người đứng đầu các tổ chức Liên Hợp Quốc, IMF, WB đã trao đổi ý tưởng, định hướng và biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc, IMF, WB trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 về Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và gia tăng sự tương hỗ giữa Chương trình này với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

 Các nhà lãnh đạo ASEAN, LHQ, IMF và WB tại cuộc gặp ở Bali, Indonesia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong các bài phát biểu, lãnh đạo Liên Hợp Quốc, IMF và WB đánh giá cao nỗ lực của các nước ASEAN trong việc thực hiện SDGs, trong đó nêu Việt Nam là một điển hình; cam kết tiếp tục hợp tác và hỗ trợ với các nước ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu này.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng đề xuất Liên Hợp Quốc, IMF, WB phối hợp với ASEAN và Việt Nam thúc đẩy triển khai thiết thực các kết quả của Hội nghị WEF ASEAN vừa được tổ chức ở Việt Nam, nhất là về Cơ chế hài hoà môi trường kinh doanh, Khuôn khổ kết nối các vườn ươm quốc gia và Kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN.

Trước các biến động khó lường của kinh tế thế giới, Thủ tướng đề nghị IMF, WB hợp tác và tư vấn cho các nước ASEAN xây dựng một cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực để giúp nâng cao năng lực tự cường và thích ứng của kinh tế ASEAN, tiếp tục ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh báo sớm thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển nhất là khoảng cách số, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cải cách thể chế và đào tạo nhân lực chất lượng cao để kịp nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. “Chúng tôi tin tưởng, với quan hệ đối tác toàn cầu và khu vực rộng mở cũng như quyết tâm cao của chúng ta, các Mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc sẽ được thực hiện thành công ở Đông Nam Á và trên thế giới”, Thủ tướng nói. Chủ tịch WB ca ngợi sự phát triển của Việt Nam, nhất là kinh tế phát triển tốt, ổn định kinh tế vĩ mô.

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai mạc Hội nghị thường niên IMF - WB với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà; gặp gỡ một số nhà lãnh đạo ASEAN: Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Philippin,… để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và giải quyết một số vấn đề cụ thể. Tại cuộc gặp Tổng giám đốc IMF bà C.Lagarde đã đánh giá tích cực các chính sách quản lý giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều biến động khó lường. IMF sẵn sàng hợp tác, tư vấn với Việt Nam trong thời gian tới.

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo đã có cuộc hội đàm đạt nhiều kết quả tích cực. Hai bên nhất trí tạo đột phá mới và đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của Đối tác Chiến lược; phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng, tạo thuận lợi hơn nữa cho các cơ chế đối thoại doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - chính phủ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết nhanh chóng vướng mắc nảy sinh.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng khác như nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và du lịch, trong đó xem xét khả năng mở đường bay kết nối các địa điểm du lịch giữa hai nước.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Nhân dịp này, Thủ tướng thông báo Việt Nam đã quyết định hỗ trợ Indonesia 100.000 USD để góp phần nhỏ giúp nhân dân Indonesia khắc phục hậu quả động đất, sóng thần. “Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ luôn sát cánh cùng các bạn trong thời khắc khó khăn này”, Thủ tướng bày tỏ.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng đã tiếp một số doanh nghiệp Indonesia như Chủ tịch Tập đoàn Ciputra, Chủ tịch Công ty chứng khoán Nikko Indonesia, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Indonesia. Khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã rất thiện chí, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp Indonesia đang đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Joko Widodo đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm, phương hướng hợp tác Đối tác chiến lược và bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự quan tâm tới các nhà đầu tư Indonesia tại Việt Nam. Tổng thống Widodo cho biết, ông mong muốn các doanh nhân Indonesia khám phá cơ hội đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Chuyến công tác tới Indonesia của Thủ tướng đã tiếp tục khẳng định vai trò thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN; thể hiện sự coi trọng hợp tác thực chất của Việt Nam với các thể chế đa phương toàn cầu lớn nhất thế giới và nâng cao hiệu quả hợp tác Đối tác chiến lược với nước chủ nhà Indonesia góp phần xây dựng công đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, đoàn kết, phát triển thịnh vượng và tăng trưởng bền vững./.