Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với ý chí và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, năm 2018, ngành nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều điểm sáng, điểm mới và có những bứt phá ấn tượng. Quan trọng nhất là đời sống của người dân khu vực nông thôn nói chung đã được cải thiện và nâng cao.
Để có được thành quả trên, theo Thủ tướng Chính phủ là nhờ thay đổi phương thức cách làm, thông qua hoàn thiện thể chế chính sách. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nông dân và các thành phần xã hội khác tham gia vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những thể chế chính sách mới được triển khai đồng bộ, quyết liệt trong năm 2018 đã tạo động lực mới cho phát triển.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành NN&PTNT trong năm 2018, Thủ tướng đặc biệt biểu dương những quyết tâm trong đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, trọng tâm là các doanh nghiệp và người nông dân. Đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã “miệng nói tay làm, kề vai sát cánh cùng người nông dân, chỉ đạo phát triển ngành có uy tín, trách nhiệm”.
Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên nông nghiệp, nông thôn nước ta đang đứng trước nhiều thách thức. Một số vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại hội nghị là: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro cao, trong khi năng lực quản trị công tác dự báo cung, cầu còn bất cập. Cùng với đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát…
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ngành NN&PTNT đạt ít nhất 3%. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 42 - 43 tỷ USD. Có ít nhất 47 huyện và 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban ngành, các địa phương cần tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng nông nghiệp. Xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, tỉnh/TP, gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời làm tốt công tác dự báo cung cầu hàng hóa, phát triển thị trường mới, và đặc biệt đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Để tạo bước đột phát cho phát triển nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban ngành, các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở dữ liệu lớn để phát triển nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao và bền vững. Không để nền nông nghiệp Việt Nam, người nông dân nước nhà đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp có tâm, có tầm. Không xa rời, hời hợt trong chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp, đồng thời có đủ trình độ để sát cánh cùng người nông dân thực hiện cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần chú trọng nhiều hơn tới đời sống của người nông dân, bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Cùng với quan tâm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù cho các thôn xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, các địa phương cần tránh bệnh hình thức trong xây dựng nông thôn mới.