Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng từ 4,5% lên hơn 10%
Trình bày công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi (từ 4,5% lên hơn 10%); 100% bộ ngành và địa phương đã kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; 86,5% văn bản điện tử đã trao đổi qua mạng; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng 9 lần; đã liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh tại cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế tại cấp huyện; khai trương bản đồ Vmap và Cổng dịch vụ công quốc gia… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra một số tồn tại như chưa xây dựng được một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng về dân cư và đất đai; hơn 70% các bộ ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, thanh toán điện tử cho dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 vẫn còn thấp.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cần hoàn thiện các thể chế về xây dựng Chính phủ điện tử. Để hoàn thiện các nền tảng của Chính phủ điện tử, 100% bộ ngành, địa phương phải có nền tảng chia sẻ dữ liệu, được kết nối với nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia; xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử; thương mại hóa mạng 5G; xây dựng nền tảng di động để người dân, doanh nghiệp thông qua một ứng dụng duy nhất truy cập mọi dịch vụ Chính phủ điện tử.
Tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm tiền giấy, mực.
Tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý |
Báo cáo về một số kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ coi người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ thông qua thiết lập và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ thời điểm Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương (9/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có 7.151 hồ sơ trực tuyến được xử lý thành công; tiếp nhận, xử lý 4.175 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ đã nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới Chính phủ không giấy thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó đã thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, qua đó tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính… Văn phòng Chính phủ cũng đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào khai thác, sử dụng; triển khai Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia…
Để thúc đẩy cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm khả năng đồng bộ trạng thái hồ sơ; tích hợp các nền tảng dùng chung với Cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm định danh xác thực, thanh toán trực tuyến và khẩn trương hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuyệt đối không để chồng chéo trong công tác quản lý
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để đổi mới công nghệ, trước hết là cần đổi mới về nhân lực con người, về thể chế sau đó mới đến công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng khả năng đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam rất cao, vượt trên các quốc gia khác, song cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhìn nhận thẳng thắn về một số tồn tại hạn chế đã được nêu trong hội nghị để khắc phục trong thời gian tới. Đề cập về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Thủ tướng yêu cầu có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng Chính phủ điện tử. Các cơ quan cần tập trung hoàn thiện thể chế bởi đây là khâu quan trọng, luôn phải đi trước để hình thành Chính phủ điện tử. Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử. Các Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn tài chính cần thiết cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử. “Các bộ ngành, địa phương cũng lưu ý công tác chống tham nhũng trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ vai trò quan trọng của người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử. Các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ ngành thì phải do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, tuyệt đối không để một việc có 2 cơ quan điều phối sẽ gây ra sự chồng chéo, lãng phí. “Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm biên chế, tiết kiệm chi phí”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát Quốc gia về Chính phủ điện tử, chú ý công tác đào tạo nguồn lực, cán bộ về công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ có khả năng trong nước tham gia xây dựng Chính phủ điện tử.