Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Nâng cao hiệu quả tính liên kết vùng, nhưng không trông chờ, ỉ lại

Thanh Hải - Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 20/7, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần đầu tiên của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, các bí thư, chủ tịch UBND 11 tỉnh, thành phố các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học...

Hội nghị đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Chủ tịch; Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời thảo luận, bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch Vùng

Tại hội nghị, các tham luận đều khẳng định quyết tâm và ý thức trách nhiệm trong phối hợp hành động giữa các bộ và các địa phương nhanh chóng triển khai nhiệm vụ của Hội đồng điều phối phân công, cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, hệ thống đô thị của Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ trong gần 30 năm qua. Trong đó 3 đô thị lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là các đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Số lượng các đô thị được đầu tư nâng cấp thành thị xã, thành phố liên tục tăng nhanh…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị. 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị. 

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu phát triển chưa đạt, đặt ra thách thức, như phát triển đô thị còn chênh lệch lớn giữa tiểu vùng phía Bắc Hà Nội (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Dương) và tiểu vùng phía Nam (gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định). Chất lượng đô thị chưa tương xứng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng trưởng quy mô đô thị tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng; mở rộng đô thị chưa có chọn lọc; còn tình trạng phát triển đô thị thiếu kiểm soát.

Để Vùng đồng bằng sông Hồng có thể trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu giải pháp xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam… Trong đó Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham luận tại hội nghị. 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham luận tại hội nghị. 
 

Vùng đồng bằng sông Hồng phải có một trung tâm chuyển đổi số. Tại đây sẽ tập trung các doanh nghiệp số, phát triển thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số và là nguồn nhân lực số cho cả vùng. Thành phố Hà Nội có trách nhiệm đi trước về chuyển đổi số, qua đó giúp đỡ toàn vùng chuyển đổi số” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tham luận với chủ đề “Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; các chính sách đặc thù vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng điều phối vùng tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham luận tại hội nghị. 
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham luận tại hội nghị. 

Góp ý kiến về kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất xây dựng quy chế phối hợp xử lý các vấn đề khủng hoảng, sự cố thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh; quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về môi trường, trước mắt là môi trường nước, cùng các quy định chia sẻ nguồn vật liệu xây dựng; ban hành một số nguyên tắc thỏa thuận trong vùng về kết nối giao thông, gồm cả giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng phải tạo ra sự kết nối để những nguồn lực nhỏ bé của các tỉnh được kết hợp lại, trở thành nguồn lực mạnh cho sự phát triển. Để Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự phát huy vai trò điều phối, phân bổ những nguồn lực phát triển, Hội đồng phải nắm được hai khâu then chốt: Quy hoạch phát triển vùng và nguồn vốn đầu tư phát triển các hạ tầng kết nối vùng.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân tham luận tại hội nghị. 
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân tham luận tại hội nghị. 

Tham luận về các giải pháp chính sách phát triển trung tâm kinh tế biển và tam giác động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống mạng lưới giao thông huyết mạch, kết nối vùng, liên vùng, một trong ba đột phá chiến lược là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, cần cho phép “cơ chế mở” để các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng có thể sử dụng ngân sách của mình để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ cũng như ưu tiên đầu tư các tuyến đường huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng.

Các tham luận cũng đề xuất nghiên cứu các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối; nghiên cứu hình thành Quỹ Phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng; nghiên cứu đề xuất cho phép phát hành trái phiếu quốc tế hoặc vay ODA để đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội hoặc cho phép áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD)...

Tạo sức mạnh tổng hợp của cả vùng đồng bằng sông Hồng để phát triển kinh tế vĩ mô

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng nhấn mạnh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức quan tâm đến việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có việc hình thành 6 vùng động lực phát triển đất nước. Do đó, việc thành lập Hội đồng điều phối, tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ để bắt tay vào hành động chính là thực hiện tinh thần chỉ đạo đó.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng phát biểu kết luận hội nghị. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng phát biểu kết luận hội nghị. 

Theo Thủ tướng Chính phủ, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với Thủ đô Hà Nội là hạt nhân phát triển vùng; có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử; có 3 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 52 di tích quốc gia đặc biệt... Vùng đồng bằng sông Hồng có quy mô kinh tế lớn thứ hai cả nước sau Vùng Đông Nam Bộ, có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, có vùng biển có diện tích lớn, có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước).

Tuy nhiên, vùng còn không ít tồn tại, hạn chế trong phát triển; trong đó, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí. Liên kết vùng còn rời rạc.

Để hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng đi đúng hướng, sớm đem lại hiệu quả thực chất, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý 6 vấn đề điều hành xuyên suốt và 11 nhiệm vụ của Hội đồng từ nay đến hết năm 2023.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nhiệm vụ của Hội đồng là tập trung điều phối liên kết, kiểm tra, tạo ra xu thế, tạo ra phong trào để nâng cao hiệu quả liên kết vùng; sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng; xử lý các vấn đề còn ách tắc liên quan.

"Hội đồng không làm thay nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các địa phương" - Thủ tướng nói. 

Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tiếp thu góp ý tại hội nghị hoàn thiện kế hoạch hoạt động của Hội đồng từ nay đến cuối năm 2023 để tổ chức thực hiện.

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Hội đồng làm nhiệm vụ điều phối nâng cao hiệu lực, hiệu quả tính kết nối, liên kết vùng; nhưng các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỉ lại; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả vùng thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đất nước; trong lúc này phải ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Hội đồng phải tiếp tục góp phần vào giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và ổn định chính trị của vùng; tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển cho vùng và cả nước. Đồng thời,thúc đẩy triển khai 3 đột phá chiến lược: Kết nối hạ tầng chiến lược trong vùng, cụ thể như đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và đường ven biển từ Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, hiện nay các dự án đang làm rồi thì tới đây phải làm tiếp; kết nối hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông; kết nối tạo nguồn nhân lực và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cùng nhau xây dựng thể chế ưu tiên, ưu đãi, đặc thù vượt trội cho vùng... trong đó có nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng phải hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III-2023; riêng thành phố Hà Nội phải hoàn thành trong năm 2023.