Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, tập trung vào thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, nhất là các biện pháp “về đích” khi còn 1/3 chặng đường của năm “bứt phá” 2019”.

Mở đầu phát biểu phiên họp, Thủ tướng nhắc đến các nhận định trong những báo cáo mà một số cơ quan trình lên, cho rằng kinh tế thế giới dường như không còn chống đỡ được những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các căng thẳng địa chính trị gây ra. Các nền kinh tế lớn đồng loạt suy yếu, đáng lo ngại. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn như vậy, theo Thủ tướng, kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tỷ giá ổn định trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước khu vực mất giá so với USD. Xuất khẩu tăng khá, xuất siêu ở mức kỷ lục, trên 3,4 tỷ USD. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Thủ tướng cũng nhắc đến dự báo của nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 như ADB dự báo tăng trưởng 6,8%, HSBC dự báo tăng trưởng 6,7%. Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tăng trưởng ở mức 6,86% năm 2019, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 ở mức 6,96%.
Thủ tướng khẳng định chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%).
Bên cạnh đó, năm nay thu ngân sách tăng khá, thể hiện thực lực của nền kinh tế nước, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.
Không chỉ kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến đáng mừng. Chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh.
Chúng ta chủ động khắc phục hậu quả bão lũ, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại. Tích cực triển khai các chính sách chăm lo đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phạm vi quốc gia. Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động vi phạm chủ quyền trên biển của nước ta.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ các bất cập, tồn tại trong chỉ đạo, điều hành như giải ngân đầu tư công còn chậm, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là ở sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng. Nông nghiệp gặp khó khăn. Kết cấu hạ tầng giao thông còn là vấn đề nhức nhối.
Thủ tướng nêu rõ, trong 4 tháng còn lại của năm 2019, tiếp tục phấn đấu để hoàn thành toàn diện, vượt mức, có những điểm bứt phá trong thực hiện kế hoạch năm 2019; đồng thời nhắc nhở không thể chủ quan, thúc đẩy các cấp, các ngành làm tốt hơn công việc được giao như thu hút đầu tư phát triển, quan tâm đời sống người dân trong mùa mưa bão…
 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019
Theo chương trình dự kiến, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung gồm: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019; Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Báo cáo kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2020-2022; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và kết quả kiểm tra tháng 8 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ...

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh thế giới có những diễn biến mới, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục làm gia tăng khó khăn, thách thức đối với kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019 của nước ta vẫn giữ được đà tích cực.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tháng 8 tăng nhẹ (0,28%), tính chung cả 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,57%, tiếp tục là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Ước 8 tháng có gần 90.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 7%; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng ước tăng 9,5%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2016 và 2017.

Các hoạt động dịch vụ, thương mại, sức mua trong nước duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán lẻ hàng hóa. Khách du lịch quốc tế 8 tháng ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỷ trọng vượt ngưỡng 30%, theo đó, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%. Xuất siêu tăng cao trở lại, ước 8 tháng xuất siêu 3,4 tỷ USD.

Theo Bộ KH&ĐT, dự kiến cầu nội địa và đầu tư sẽ là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2019. Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt, trong đó các ngành sản xuất ô tô, thép, lọc hóa dầu, điện tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng trong quý III.

Bên cạnh các chính sách kích cầu, việc chú trọng các chính sách tác động vào tổng cung như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, quy mô lớn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ là rất quan trọng để tạo ra động lực mới thúc đẩy tăng trưởng.

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về những giải pháp cụ thể để huy động mọi nguồn lực, tạo đà cho tăng trưởng cũng như cho ý kiến về những vấn đề khác nổi lên trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử…