Tỉ lệ hộ nghèo từ 9,88% giảm xuống dưới 3%
Sau hơn 30 năm qua, Việt Nam là hình mẫu thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo; là thông điệp truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định và cho rằng: Để có kết quả đó, Đảng và Nhà nước ta nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù có nhiều thiên tai, lũ lụt khó khăn nhưng Chính phủ đã đầu tư tăng nguồn lực gấp 2 lần giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước dành cho phúc lợi xã hội - mức cao nhất trong số các nước ASEAN. Không chỉ thế, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người, đây là sự cố gắng rất lớn.
|
Thủ tướng trao tặng Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo. |
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉ lệ hộ nghèo từ 9,88% (năm 2015), đã giảm xuống 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% năm 2020; đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo.
Điểm qua về những địa phương, mô hình giảm nghèo, Thủ tướng khẳng định, chính sách, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, các DN trong và ngoài nước tạo ra việc làm cho người dân là giải pháp tốt nhất để xóa đói giảm nghèo bền vững.
“Việc thực hiện giảm nghèo đa chiều đã tác dộng tích cực, toàn diện đến toàn bộ hộ nghèo; thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng lên tới 2 - 3 lần. Hàng triệu con em hộ nghèo được miễn giảm học phí, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, sinh viên nghèo được cấp học bổng...” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.
Giảm nghèo phải bằng cả trái tim
Theo Thủ tướng, nghèo đói là vấn đề kinh tế xã hội lớn không chỉ ở nước ta mà toàn cầu. Tổ chức Oxfam ước tính Covid-19 khiến nửa tỉ người, khoảng 8% dân số thế giới lâm vào cảnh nghèo đói. Chính vì thế, Thủ tướng đã đề nghị xây dựng nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo theo hướng đa chiều; ưu tiên trẻ em, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới; ưu tiên nguồn lực Nhà nước, huy động nguồn lực toàn xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người nghèo...
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể và cá nhân. |
Cùng với đó là đầu tư vào hạ tầng kinh tế xã hội các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là giao thông, đầu tư giáo dục, dạy nghề, việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để tự vươn lên.
Thủ tướng chỉ đạo tất cả các địa phương tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Các địa phương phổ biến kinh nghiệm, nhân mô hình tốt, nâng cao ý thức tự cường của mọi gia đình...Giải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất kinh doanh, để có việc làm.
“Trước mắt hỗ trợ cho người dân sửa chữa những ngôi nhà bị hư hại, hỗ trợ lương thực thực phẩm, thuốc. Không để người dân bị thiếu đói, nhịn mặc. Khẩn trương sửa chữa trường học, lớp học để 100% học sinh được đến trường.
Ban lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, nhất là các tỉnh miền Trung đi kiểm tra và lo cho dân Tết này dân nghèo vui tết ra sao, chỗ ăn chỗ ở thế nào” – Thủ tướng chỉ đạo.
Giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ, mà phải bằng cả trái tim. Vì thế, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương triển khai phong trào mới; mỗi xã, phường, thị trấn, thôn, bản có cách làm sáng tạo xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình.
“Giảm nghèo bền vững cần bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn, con người. Các địa phương khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; cấp ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ hộ nghèo. Cần phát động phong trào thi đua giảm nghèo bền vững một cách sáng tạo, thực chất hơn” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.