Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hoàn thiện sớm chính sách nhà ở cho thanh niên

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với thanh niên, điều lo lắng nhất là về chỗ ở, ổn định việc làm. Thời gian tới, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhà ở phù hợp với mặt bằng thu nhập của người lao động, nhất là người trẻ, vừa ra trường...

Sáng 22/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến về chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”.

Chương trình được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu tại UBND 63 tỉnh, TP và cơ quan T.Ư Đoàn, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023).

Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành đối thoại với thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành đối thoại với thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ (Hà Nội) gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan ở T.Ư, lãnh đạo một số ban của Đảng, một số ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội cùng 400 đại biểu thanh niên, đại diện cho hơn 23 triệu thanh niên cả nước.

Tại điểm cầu trực tuyến trụ sở UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà; lãnh đạo các sở, ngành; Thường trực Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội; Hội LHTN TP Hà Nội; Hội SVVN TP Hà Nội.

Tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên công nhân có nhà ở

Trao đổi tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Văn Linh - Đoàn Thanh niên Công ty xây lắp mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, chia sẻ hiện nay thanh niên công nhân còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Bản thân tôi cũng đang đi thuê nhà trọ từ nhiều năm nay. Nhu cầu thuê nhà của thanh niên công nhân là rất lớn, nếu có nhà để mua thì phần lớn thanh niên công nhân mong muốn được vay mua nhà trả góp với lãi suất thấp. Kính đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở cho thanh niên công nhân và lao động trẻ tại các địa phương; có chính sách hỗ trợ lãi suất hoặc không lãi suất cho thanh niên trẻ mua nhà” - anh Linh chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đầu tư, phát triển các chính sách nhà ở, trong đó đặc biệt có nhà ở xã hội và đã có những kết quả nhất định. Gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Mới đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, ổn định và lành mạnh. Sau hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, những mục tiêu giải pháp đầu tư về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã được Chính phủ rất quan tâm và cụ thể hóa thông qua các nhóm nhiệm vụ giải pháp.

Dự tại điểm cầu trụ sở UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà; lãnh đạo các sở, ngành; Thường trực Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội; Hội LHTN TP Hà Nội; Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội
Dự tại điểm cầu trụ sở UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà; lãnh đạo các sở, ngành; Thường trực Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội; Hội LHTN TP Hà Nội; Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, theo Nghị quyết 33 và chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới, phải khẩn trương sửa đổi và sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi để Quốc hội thảo luận vào kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới. Dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ 1/7/2024.

Trong thời gian trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Chính phủ sẽ trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm đầu tư phát triển nhà ở xã hội với nhiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, trong đó có những khó khăn liên quan đến vấn đề dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; vấn đề liên quan ưu đãi, tiến triển sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư…

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra. Đây là một đề án cụ thể, sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách có hiệu quả.

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng. Ảnh: Tienphong
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng. Ảnh: Tienphong

Thứ ba, trong thời gian qua, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2% để các chủ đầu tư đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới cũng như hỗ trợ người mua trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đối với các chính sách thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội có 2 gói hỗ trợ gồm gói 40 nghìn tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2% để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; gói 15 nghìn tỷ giao Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay, trong đó có đối tượng thanh niên công nhân trên toàn quốc vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

“Đây là những chính sách rất cụ thể và thiết thực để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị cũng như công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội trong thời gian tới để vay vốn mua nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân có nhà ở để họ yên tâm công tác và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai Phạm Quang Khoát. Ảnh: Báo Thanh Niên
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai Phạm Quang Khoát. Ảnh: Báo Thanh Niên

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ cả “đầu vào” và “đầu ra”

Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu “an cư mới lạc nghiệp”, khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người; với thanh niên, từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là về chỗ ở, ổn định việc làm. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho các đối tượng chính sách, người có công.

Trong đó, nghiên cứu các hình thức mua, thuê, thuê mua, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp… để hỗ trợ cả "đầu vào" (tức những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà), hỗ trợ cả "đầu ra" (người mua, thuê, thuê mua nhà) để phát huy nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là những người vừa ra trường, các bạn trẻ, tinh thần là giải quyết từng bước nhưng căn cơ vấn đề này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi về các vấn đề đại biểu thanh niên đặt ra tại Hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi về các vấn đề đại biểu thanh niên đặt ra tại Hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trao đổi về những quyết sách quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số (câu hỏi của doanh nhân trẻ Phạm Nhật Thành), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, chúng ta đang thực hiện 3 trụ cột lớn: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt là coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức, chúng ta phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng tay khối óc của mình,, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

“Tôi tin chắc là với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông chúng ta đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên chúng ta” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.