Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tháp tùng Đoàn công tác của Chính phủ.
Cùng đi có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các sở, ngành TP Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác đến thăm công trường nhà ga S12 - Ga Hà Nội (cạnh Bệnh viện Tim Hà Nội, số 92 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm).
Báo cáo với Thủ tướng về tình hình thực hiện Dự án, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, mỗi ngày tại công trường huy động khoảng 700-800 công nhân làm việc xuyên Tết với 3 ca liên tục 24/24h để bảo đảm tiến độ thi công. Hiện nay dự án có 40 chuyên gia nước ngoài, trong tổng số 100 chuyên gia của các đơn vị tư vấn giám sát, thi công.
Ông Nguyễn Cao Minh thông tin, tiến độ tổng thể dự án đạt 77,76%. Trong đó, tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 99,7%. Đoạn tuyến trên cao đã hoàn thành 7/8 giai đoạn kiểm tra nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án tiếp tục chỉ đạo tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục để vận hành đoạn trên cao vào tháng 6/2024.
Giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của dự án là 2.214,583/2.653,535 tỷ đồng (đạt 83,46% so với kế hoạch sau điều chỉnh tại Quyết định số 3908/QĐ-UBND ngày 3/8/2023 của UBND TP Hà Nội và đạt 96,85% so với đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn ODA năm 2023 của UBND TP Hà Nội). Đối với đoạn tuyến ngầm, tiến độ tổng thể gói thầu đạt 40,67%. Tại các vị trí nhà ga, hiện nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý II/2024.
Trực tiếp đến thăm, chúc Tết các lãnh đạo và công nhân, trong đó có các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị không quản ngại ngày đêm, ngày nghỉ Tết để tập trung hoàn thành dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng không chỉ với TP Hà Nội mà với cả nước, song thời gian qua vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã bị chậm tiến độ.
“Việc chậm tiến độ quá lâu so với dự kiến đã ảnh hưởng đến chất lượng dự án cũng như hiệu quả đầu tư thấp, đội vốn so với dự kiến” – Thủ tướng Chính phủ nêu thực tế.
Sau khi nghe báo cáo và nắm tình hình thực tế, Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan phải tập trung tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng dự án. Thủ tướng lưu ý, do chất lượng đất nền tại khu vực dự án phức tạp nên các đơn vị thi công, giám sát phải chú tâm đến vấn đề này nhằm bảo đảm chất lượng dự án sau khi hoàn thành. Cùng với đó, mặt bằng thi công dự án chật hẹp, nên vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn lao động cần được quan tâm hơn nữa.
“Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm nên đã lựa chọn các nhà thầu nước ngoài. Vì thế, các chuyên gia nước ngoài bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ tại dự án có thể chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các kỹ sư Việt Nam làm việc tại đây” – Thủ tướng Chính phủ đề nghị.
Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị tư vấn, giám sát, thi công tăng cường phối hợp để vừa đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, an toàn lao động. Thủ tướng cho biết, không chỉ dự án này mà cả nước đang triển khai nhiều dự án với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi, ăn tranh thủ, ngủ tranh thủ để đẩy nhanh tiến độ dự án”.
Từ thực tế hiện nay, Thủ tướng đề nghị Thành phố Hà Nội sớm họp bàn tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án; đồng thời báo cáo Chính phủ các nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này để sớm có giải pháp tháo gỡ.
Tiếp sau đó, Thủ tướng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đến thăm, chúc Tết công nhân tại một số điểm ứng trực làm việc trong Tết của Công ty môi trường đô thị Hà Nội (URENCO).
Báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ, Tổng Giám đốc Công ty Phạm Văn Đức cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn thể gần 5.000 cán bộ công nhân viên, người lao động của Công ty chia ca làm việc, thêm giờ nhằm bảo đảm thu dọn hết rác, đường phố sạch sẽ. Ngoài ra, Công ty còn bố trí trên 600 xe vận chuyển rác đang hoạt động trong điều kiện kỹ thuật tốt, đảm bảo an toàn, sẵn sàng chạy thêm chuyến, chạy thêm ca, đảm bảo chở hết khối lượng rác phát sinh tăng gấp đôi ngày bình thường (khoảng 10.000 tấn/ngày).
Cùng với đó, đơn vị đã bố trí lực lượng hướng dẫn người dân bỏ túi nilon vào thùng sau khi thả cá phóng sinh Tết ông Công ông Táo; thu dọn làm sạch tại các khu vực chợ hoa Tết như: Chợ hoa Hàng Lược, Lạc Long Quân, Quảng Bá, Nhật Tân,… và các chợ dân sinh sau khi kết thúc chợ. Đồng thời, duy trì dọn dẹp sạch sẽ tại các khu vực bắn pháo hoa đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ người dân đi du xuân đón tết.
Thăm hỏi, động viên các công nhân đang ứng trực tại các điểm trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao tinh thần hy sinh thầm lặng, không quản ngại khó khăn, vất vả, bụi bặm hằng ngày của các công nhân làm việc tại đây. Trong đó, phần lớn công nhân làm việc tại đây là chị em nên phải sắp xếp công việc gia đình trong những ngày Tết, việc chăm sóc con cái để yên tâm làm việc vì mục đích xây dựng thành phố Hà Nội luôn “sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”.
Chia sẻ với những khó khăn mà các công nhân đang làm việc tại đây, trong đó có những gia đình 2 đến 3 thế hệ gắn bó với công việc vất vả này, Thủ tướng mong rằng, mỗi công nhân của Công ty URENCO hãy tự hào vì vinh dự được đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định đổ rác đúng nơi, đúng giờ; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý những trường hợp cố tình vi phạm vệ sinh môi trường. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, nơi sinh sống và làm việc luôn sạch đẹp.
Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm công nhân, người lao động Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội tại Nhà máy nước Yên Phụ.
Báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ, Tổng Giám đốc Công ty Trần Quốc Hùng cho biết, Công ty Nước sạch Hà Nội được thành phố giao quản lý cung cấp nước sạch cho 16 quận/huyện với tổng dân số được cấp nước khoảng 3,6 triệu người. Thực hiện kế hoạch cấp nước phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn thể 2.500 cán bộ công nhân viên Công ty đã thực hiện nhiệm vụ luân phiên theo 3 ca vận hành 12 Nhà máy sản xuất nước, mạng cấp nước… đảm bảo cấp nước liên tục và tiếp nhận xử lý thông tin dịch vụ cấp nước kịp thời không để xảy ra khu vực nào mất nước, thiếu nước.
Theo ông Trần Quốc Hùng, trong những ngày Tết vừa qua Công ty luôn ứng trực bảo đảm công tác vận hành mạng lưới theo chế độ áp lực, không để xảy ra khu vực nào mất nước, thiếu nước. Các sự cố trên mạng lưới, các thông tin phản ánh qua tổng đài chăm sóc khách hàng 19004600 đều được phối hợp giải quyết kịp thời, thấu đáo. Đồng thời, Công ty đã ra quân ngày đầu xuân triển khai công tác hiện trường mở rộng phạm vi cấp nước cho các huyện Thường Tín, Thạch Thất, Đông Anh, Thanh Trì được UBND thành phố giao.
Sau khi thăm quan nhà máy, phòng truyền thống và nghe báo cáo tình hình thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà Công ty đạt được trong 130 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là cung cấp nước sạch cho thành phố dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng như kế hoạch cấp nước hè 2024.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân, phục vụ khu công nghiệp, phòng cháy, chữa cháy và bảo đảm an ninh quốc phòng. Vì thế, Thủ tướng đề nghị đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công nhân về vai trò quan trọng này để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, cùng với các cơ quan báo chí cần chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm của mỗi người dân.
Về lâu dài, Thủ tướng đề nghị TP Hà Nội sớm có quy hoạch tổng thể về hệ thống cung cấp nước sạch toàn thành phố, đặc biệt là với các huyện của tỉnh Hà Tây trước đây do chưa có hệ thống nước sạch để có phương án đầu tư phù hợp. Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp nước sạch cho người dân; đa dạng hóa nguồn cung nước sạch và tính đến phương án tăng giá nước theo lộ trình và quy luật thị trường, trong đó không cào bằng một giá mà có những mức giá khác nhau để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội.