Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam quyết tâm thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh. Dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.
Bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân là trên hết
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc lần này là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước tới nay, số lượng tiêm đến hàng triệu mũi, thực hiện trong thời gian ngắn. Đây là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine phòng Covid-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam.
Sử dụng vaccine Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động.
Ngày 8/7, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm v vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022. Kế hoạch này sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vaccine. Đây là căn cứ để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19...
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ, hôm nay tất cả chúng ta có mặt ở đây với cảm xúc rất đặc biệt. Đặc biệt của tâm tư và suy nghĩ hướng về TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam nơi Nhân dân đang phải đối mặt với sự phức tạp hơn của dịch bệnh, nơi cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, giãn cách… “Nơi chúng ta cần thể hiện tấm lòng, sự đoàn kết và sự chia sẻ hơn bao giờ hết. Nơi chúng ta cảm nhận được sự bao dung, nhân ái, cảm thông và không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài việc tiếp cận vaccine”- Thủ tướng bày tỏ .
Theo Thủ tướng, không chỉ nước ta, mà cả thế giới không thể lường trước diễn biến của dịch bệnh đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch Covid-19.
Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay.
Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện chiến lược vaccine. Chiến lược vaccine tập trung vào các nội dung chính bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vaccine cho Nhân dân.
Để thực hiện được việc đó trong thời gian vừa qua chúng ta đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính. Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ vaccine đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân ở trong và ngoài nước và doanh nghiệp thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Tính đến nay Quỹ vaccine đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng và đang sử dụng để mua vaccine phục vụ Nhân dân.
Càng khó khăn gian khổ càng phải đoàn kết
Theo Thủ tướng, trong thời gian qua, nguồn cung vaccine khan hiếm, và nước ta thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vaccine. "Với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Bộ ngành liên quan trong ngoại giao vaccine đặc biệt việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể nên chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trên 100 triệu liều trong năm 2021 và việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ và có kết quả bước đầu tích cực. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện đã thực hiện tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều vaccine "- Thủ tướng nói.
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự lễ phát động.
Cũng theo Thủ tướng, việc sử dụng vaccine trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. “Nhiều người chia sẻ, mong muốn trong lúc này vaccine chưa có nhiều hãy dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì tính toán, thể hiện tình cảm đồng bào, tương thân tương ái của dân tộc ta. Đó là lý do tại sao những lô vaccine tháng trước đã được tập trung cho công nhân và nhân dân vùng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang. Và mấy hôm nay, vaccine được tập trung chuyển về tiêm cho nhân dân TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có vùng dịch ở phía Nam. Ngay trong ngày hôm nay đã có 1,5 triệu liều vaccine được chuyển vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để tiêm cho Nhân dân"- Thủ tướng chia sẻ.
Nhấn mạnh mục tiêu của Chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hàng năm cho Nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng, Thủ tướng nêu rõ để đạt mục tiêu đó chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vaccine cho Nhân dân từ nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước. Và mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine. "Có vaccine rồi, chúng ta phải thực hiện tiêm tiêm chủng miễn phí cho Nhân dân đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Trong mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai tiêm chủng trên diện rộng, và hôm nay chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Điều này đã được Bộ Y tế và các bộ ngành chuẩn bị để triển khai hiệu quả. Dự kiến, chúng ta sẽ tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022"- Thủ tướng thông tin.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chúng ta chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng ta không chủ quan sau tiêm mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, các ngành. Mỗi chúng ta hãy để thông điệp “mình vì mọi người và mọi người vì mình” và “thương người như thể thương thân” được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng, trong toàn thể Nhân dân.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân hiểu và đánh giá cao sự hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu như y tế, quan đội, công an... đã vì cộng đồng trong thời gian vừa qua đặc biệt là lực lượng cán bộ y tế cả nước. "Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn gian khổ chúng ta lại càng phải đoàn kết thống nhất phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng để thực hiện thành công Chiến dịch tiêm chủng vaccine. Chúng ta sẽ có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an, sức khỏe cho Nhân dân và phát triển đất nước. Niềm tin ấy sẽ do hành động của mỗi chúng ta, niềm tin ấy sẽ là của mỗi chúng ta và niềm tin ấy là của đất nước chúng ta, của truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta"- Thủ tướng bày tỏ.
Tại lễ phát động, Thủ tướng yêu cầu để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, chúng ta phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương có liên quan đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình. Đặc biệt trong thời gian tới, lượng vắc xin về nhiều, chúng ta cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh, kịp thời, an toàn và hiệu quả. Để thực hiện chiến lược vaccine, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của Nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vaccine hàng năm.