Thủ tướng phân công soạn thảo 18 luật, pháp lệnh, nghị quyết

Linh Đan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ soạn thảo 5 luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết được bổ sung vào chương trình năm 2016 gồm: Luật quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phân công các Bộ soạn thảo 13 luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm: Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật an ninh mạng; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo; Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật đo đạc và bản đồ; Luật lý lịch tư pháp (sửa đổi).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trong đó, các cơ quan chức năng phải khẩn trương thành lập Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự án luật, pháp lệnh; tổ chức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến dự án luật, pháp lệnh; đánh giá tác động dự án luật, pháp lệnh, dự kiến những nội dung cần được giao quy định chi tiết trong dự thảo luật, pháp lệnh và chuẩn bị nội dung văn bản quy định chi tiết, dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành sau khi luật, pháp lệnh được thông qua, bảo đảm dự án trình được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án, dự thảo; chuẩn bị hồ sơ dự án luật, pháp lệnh để gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định tại Điều 58 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đồng thời bổ sung Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan, Báo cáo đánh giá tác động văn bản; chuẩn bị hồ sơ gửi Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra theo quy định tại Điều 64 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội không đúng thời hạn.

Đối với các dự án luật, pháp lệnh lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn và những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trước khi hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ...