Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển thông tin quốc gia

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinthedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Chiến lược) trên các loại hình thông tin: báo chí, xuất bản, thông tin công cộng trên Internet, thông tin cơ sở.

Theo đó, về báo in, báo điện tử, mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận báo in hoặc báo điện tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí giữa khu vực thành phố, thị xã và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đạt mức 60%/40%; sắp xếp đầu mối các cơ quan báo chí theo Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tăng số lượng tạp chí khoa học; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Về báo nói, báo hình, mục tiêu đến năm 2025, 70% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; 100% dân số các vùng còn lại được nghe, xem các chương trình này; tăng thời lượng phát sóng của các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; các kênh trung ương bảo đảm phát sóng 24 giờ/ngày...

Đến năm 2025, 100% cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của ngành, của địa phương; 100% các trang tin điện tử cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng Internet đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nội dung thông tin, xác thực người dùng; 100% các cơ quan hành chính nhà nước có trang thông tin điện tử thích ứng với các thiết bị di động, dễ dàng tra cứu, kết nối với các dịch vụ do Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước cung ứng...

Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý thông tin

Một trong những giải pháp thực hiện Chiến lược là giải pháp về bộ máy, nguồn nhân lực. Cụ thể, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý thông tin ở trung ương và địa phương; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và điều kiện làm việc, bảo đảm thực thi công tác quản lý nhà nước hiệu quả cả về kỹ thuật và nội dung.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tiêu chuẩn hóa các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan thông tin, đặc biệt là các cơ quan thông tin phục vụ công tác tuyên truyền thiết yếu của Đảng, Nhà nước; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm phát triển thông tin mạng theo từng giai đoạn. Đổi mới chương trình đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong không gian mạng và truyền thông, nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng người dùng mạng xã hội; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, ứng dụng thông tin mạng.

Kiện toàn, sắp xếp hệ thống các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực thông tin theo định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các loại hình thông tin trong cả nước theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan theo hướng hiện đại.

Phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đảm bảo việc cung cấp xuất bản phẩm đến các địa bàn cơ sở, trong đó ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần khắc phục sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực; nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác thông tin vững vàng về chính trị, tư tưởng, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với từng loại hình thông tin.

Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội. Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin

Giải pháp khác thực hiện Chiến lược là nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin. Trong đó, đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thông tin, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, quy trình quản lý thông tin, khắc phục tình trạng phân công, phân cấp không rõ ràng giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý thông tin, giữa trung ương với địa phương nhằm đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với công tác thông tin.

Thống nhất về nhận thức, quan điểm để tiếp tục hoàn thiện cách thức, thời điểm và nội dung thông tin đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm nhằm nâng cao hiệu quả của thông tin, góp phần định hướng dư luận xã hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của thông tin cơ sở là kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trung ương với địa phương, cơ sở.

Đối với các cơ quan thông tin, nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, nhanh nhạy, toàn diện, phong phú, đảm bảo định hướng chính trị, tư tưởng, phù hợp với trình độ tiếp nhận của từng đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. Thông tin có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian nhất định. Chủ động đấu tranh chống các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin có tác động tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.

Các cơ quan báo chí thích ứng với sự phát triển khoa học và công nghệ để có mô hình phù hợp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả công tác thông tin và tiết kiệm nguồn lực; chuyển đổi các đơn vị, bộ phận truyền dẫn phát sóng thành các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng theo mô hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Viễn thông khi đảm bảo các điều kiện cần thiết, đồng thời phù hợp với Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;...