Trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực
Điều chỉnh quy hoạch chung với mục tiêu xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Quy hoạch hướng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời, là TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, TP đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Điều chỉnh quy hoạch hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh; TP đáng sống. Ảnh: Q.HẢI |
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Đà Nẵng có tổng diện tích khoảng 129.046 ha, trong đó, diện tích đất liền khoảng 98.546 ha.
Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người, năm 2045 khoảng 2,56 triệu người.
Diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt khoảng 31.836ha vào năm 2030 (chiếm khoảng 32,31% diện tích đất trên đất liền), và đạt khoảng 35.054 ha đến năm 2045 (chiếm khoảng 35,57% diện tích đất trên đất liền).
Cấu trúc đô thị Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng Ven mặt nước, vùng Lõi xanh, vùng Sườn đồi và 1 Vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía Tây và phía Bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái.
Hình thành 2 vành đai kinh tế: Vành đai phía Bắc - Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics; Vành đai phía Nam - Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển các trung tâm phân tán, gồm: Trung tâm đô thị gắn với Trung tâm TP; Trung tâm dịch vụ Công nghệ cao tại khu vực Tây Bắc TP; Trung tâm thương mại dịch vụ gắn với Ga đường sắt mới; Trung tâm Đối mới sáng tạo tại phía Nam TP.
Định hướng phát triển đô thị huyện lỵ huyện Hòa Vang, là Trung tâm hành chính huyện, cửa ngõ kết nối các huyện Tây Bắc tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên; là tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ hỗ trợ cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích đất khoảng 200 ha, dân số khoảng 36.000 người.
Theo quy hoạch, các khu đô thị hiện hữu sẽ được tái phát triển theo mô hình đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng.
Đà Nẵng tập trung phát triển du lịch, công nghệ cao. Ảnh: Q.HẢI |
Đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng tập trung phát triển du lịch trên toàn địa bàn gắn với các hình thức du lịch biển; du lịch thủy nội địa; du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch đô thị; du lịch vui chơi giải trí tổng hợp, mua sắm; du lịch thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe.
Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong Khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan; duy trì các chợ truyền thống, phát huy giá trị của chợ văn minh truyền thống chợ Hàn, chợ Cồn gắn với trục thương mại Hùng Vương; đầu tư mới chợ đầu mối Hòa Phước, chuyển đổi chợ đầu mối Hòa Cường thành chợ dân sinh tổng hợp cấp 1.
Đồng thời, tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710 ha, gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng; Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2, Khu Công viên phần mềm số 1, số 2, số 3
Ngoài ra, hình thành Cụm Đôi mới sáng tạo tại phía Nam TP gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm.
Chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi với quy mô diện tích đất khoảng 229 ha, bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics ga Kim Liên mới, Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và kho bãi khác.
Nâng cấp sân bay, xây cảng Liên Chiểu
Theo quy hoạch, TP sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856 ha.
Quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia chạy song song về phía Đông đường bộ cao tốc; xây dựng nhà ga đường sắt mới đạt công suất 10 triệu hành khách/năm, diện tích khoảng 30 ha, Depot diện tích khoảng 60 ha, tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc, gắn với việc hình thành hệ thông trung tâm thương mại dịch vụ, là động lực phát triển khu vực phía Tây TP.
Đồng thời, đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu công suất đạt 50 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 450 ha (bao gồm cả phần mặt nước); diện tích hậu cần cảng khoảng 195 ha. Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiếu đi vào hoạt động.