Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu CNC Hòa Lạc đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu CNC Hòa Lạc được bố trí ở hai phía của Đại lộ Thăng Long trên địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai và các xã Tân Xã, Hạ Bằng, Thạch Hòa, Bình Yên, Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội với diện tích khoảng 1.586 ha. Về quy mô dân số, hiện trạng năm 2015 dân số, lao động trong khu CNC Hòa Lạc khoảng 12.600 người. Dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người tương ứng 40 - 50%.
Khu CNC Hòa Lạc là trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia; là nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
Phối cảnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. |
Trọng tâm phát triển của Khu CNC Hòa Lạc là các ngành công nghệ cao như: CNTT, viễn thông, điện tử, sinh học, cơ điện từ, chế tạo máy, vật liệu mới, năng lượng mới... và danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu CNC Hòa Lạc cũng xác định rõ, định hướng phát triển không gian đô thị phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Trong đó, khu GD&ĐT có diện tích 123,53 ha, là nơi tập trung các trường đại học, các cơ sở đào tạo, dạy nghề, là nơi cung cấp đội ngũ nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao. Khu Nghiên cứu và triển khai (R&D) có diện tích 263,15 ha, là nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu phát triển, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời là nơi đào tạo và thu hút các chuyên gia trong các ngành công nghệ cao và những người có trình độ cao làm công tác nghiên cứu và ứng dụng. Khu R&D sẽ là cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn, nơi ươm mầm các phát minh. Khu Phần mềm có diện tích 55,93 ha, là nơi tập trung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phần mềm, cung cấp các dịch vụ sản xuất kinh doanh liên quan đến CNTT. Khu Công nghiệp công nghệ cao có diện tích 391,01 ha, là nơi tập trung các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao, kho ngoại quan. Ngoài ra, Khu CNC Hòa Lạc còn có các khu chức năng khác như: khu Trung tâm, khu Hỗn hợp, khu Nhà ở, khu Giải trí và thể dục thể thao và các khu vực: hồ Tân Xã và vùng đệm, giao thông và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Dự án xây dựng Khu CNC Hòa Lạc sẽ được đầu tư liên tục đến năm 2030. Khuyến khích xã hội hóa các dự án: Xây dựng nhà ở cho người lao động, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các công trình công cộng và cung cấp dịch vụ công; ưu tiên các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN và UBND TP Hà Nội nghiên cứu, ban hành chính sách nhà ở cho chuyên gia, người lao động làm việc trong Khu CNC Hòa Lạc. Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra thực hiện theo quy hoạch được duyệt và các kiến trúc điểm nhấn, các vị trí quan trọng trong Khu CNC Hòa Lạc. Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch. UBND TP Hà Nội có trách nhiệm đầu tư xây dựng, tổ chức kết nối giao thông của Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21 và giao thông lân cận, hệ thống cấp nước và thoát nước nằm ngoài ranh giới với Khu CNC Hòa Lạc để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất; ban hành Quyết định quy định các chính sách, biện pháp hỗ trợ, trình tự thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Khu CNC phù hợp với thực tiễn tình hình quản lý đất đai của địa phương, đảm bảo ổn định chính sách và tiến độ giải phóng mặt bằng của Khu CNC Hòa Lạc. Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển KH&CN cho Khu CNC Hòa Lạc bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, ươm tạo, đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút nhân lực KH&CN, hỗ trợ hợp tác phát triển công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao.