|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: TTXVN |
Buổi lễ có sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN; Bộ trưởng phụ trách các trụ cột cộng đồng Chính trị - An ninh, Văn hóa - Xã hội và Kinh tế của các nước ASEAN; Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; Trưởng Quan chức cao cấp ASEAN tại 3 trụ cột (Chính trị-An ninh; Văn hóa-Xã hội; Kinh tế); các Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN và các Đối tác của ASEAN.
Đại diện Việt Nam tham dự có: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến.
Vừa qua, Hội nghị Khóa 73 Đại hội đồng Y tế Thế giới, Liên hợp quốc và nhiều Hội nghị quốc tế lớn cũng diễn ra trên các mạng kết nối toàn cầu.
Điều này phản ánh thực tế về nhiều phương thức vận hành công việc đang buộc phải thay đổi, không chỉ do phát triển của khoa học công nghệ, mà còn do thách thức chưa từng có - dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đang đặt ra cả cơ hội và thách thức với các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.
Mâu thuẫn xuất phát từ bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử và kỳ thị trở nên trầm trọng hơn do tác động của dịch bệnh, khoét sâu thêm những ngăn cách trong lòng các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, các nước đều phải đề cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vai trò, sứ mệnh của các nước lớn, các tổ chức đa phương và khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã để lại những hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia thành viên ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Cộng đồng ASEAN đã kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các Đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu dịch.
Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Toàn thể ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một khối ASEAN đoàn kết, gắn bó, đầy tình tương thân, tương ái.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn Lãnh đạo các nước ASEAN, các Đối tác của ASEAN đã chung tay phối hợp cùng Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN, trong nỗ lực chung ứng phó dịch bệnh, nhất là những cam kết mạnh mẽ thể hiện tại Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về Covid-19 tháng 4 vừa qua.
Thủ tướng kỳ vọng, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ là "dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết tâm cao của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên các khó khăn thách thức, vững vàng đi tới".
Thủ tướng mong rằng, Hội nghị sẽ thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: vượt lên thử thách, thúc đẩy tăng trưởng” và đó sẽ là kim chỉ nam cho ASEAN tự tin trên bước đường tiếp theo.
|
Quang cảnh Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hội nghị lần này sẽ trao đổi về kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN sau dịch bệnh, sớm đưa vào triển khai các sáng kiến về: lập Quỹ ASEAN ứng phó dịch COVID-19, xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, xây dựng Quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn ASEAN trong tình huống y tế khẩn cấp...
Các nước thành viên sẽ tiến hành rà soát công tác đánh giá giữa kỳ thực hiện các Kế hoạch tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cho ý kiến về xây dựng định hướng phát triển tương lai của ASEAN sau 2025, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN với việc đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN.
ASEAN cũng sẽ tăng cường khuyến khích sự tham gia, đóng góp tích cực của các ngành, các giới trong xã hội trong tiến trình xây dựng một Cộng đồng hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Các nỗ lực tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững của ASEAN những năm qua sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2020.
Các sáng kiến “Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN,” “Kết nối các kết nối” cần được tiếp tục triển khai hiệu quả, sâu rộng. Bên cạnh đó, cần quan tâm thích đáng đến việc gắn kết chặt chẽ các tiểu vùng với kế hoạch phát triển tổng thể của ASEAN, trong đó có tiểu vùng Mê Công, về quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước.
Là Cộng đồng rộng mở, một đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế, ASEAN sẽ không ngừng mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các Đối tác.
ASEAN đẩy mạnh quan hệ gắn kết với Liên hợp quốc trong năm 2020, khi cả Indonesia và Việt Nam cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tích cực đóng góp cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và phát triển của Liên hợp quốc. Chúng ta cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trên cơ sở đề cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, ASEAN không ngừng cải tiến, hoàn thiện các cơ chế đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin, củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ.
Đồng thời, ASEAN tiếp tục thúc đẩy, đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử, định hình quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực theo Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), tôn trọng, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng: “Qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn kết bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình ASEAN.”
Theo chương trình, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch về kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Tuyên bố Tầm nhìn về ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay.
Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Đó là: Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số, là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ. Phiên đối thoại của Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA-41 dẫn đầu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự Phiên đối thoại này với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA. Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Đại diện AIPA sẽ trao đổi để tăng cường sự phối hợp giữa hai tổ chức trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, vì người dân. Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Thanh niên ASEAN, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ đối thoại với đại diện Thanh niên ASEAN, được các nước thành viên ASEAN đề cử, về thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong xây dựng Cộng đồng. Các đại diện thanh niên sẽ đệ trình Tuyên bố về thanh niên cho Lãnh đạo các nước ASEAN tại cuộc Đối thoại. Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC), dự kiến đại diện ABAC sẽ trình Lãnh đạo ASEAN các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh tự do, thuận lợi hóa thương mại-đầu tư trong khu vực và quốc tế. |