Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần 3 sẽ diễn ra ngày 24/8 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia lãnh đạo cấp cao 6 nước thành viên Mekong - Lan Thương gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần 2. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có phát biểu quan trọng tại hội nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo tại buổi họp báo chiều 20/8.
Đây là hội nghị mang tính chất định kỳ 2 năm một lần. Hội nghị này do Lào và Trung Quốc đồng chủ trì tổ chức, với chủ đề “Tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung”.
Hội nghị sẽ tập trung đánh giá tình hình hợp tác kể từ hội nghị cấp cao Mekong - Lan Thương lần 2 và thảo luận định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Người phát ngôn, dự kiến lãnh đạo các nước sẽ thảo luận một số nội dung như hợp tác y tế cộng đồng, tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh; hợp tác phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19; và quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) là một trong hơn 10 cơ chế hợp tác hiện có tại Tiểu vùng Mekong.
MLC được thành lập ngày 23/3/2016 với việc thông qua Tuyên bố Tam Á của các nhà lãnh đạo cấp cao 6 nước. Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung và tầm quan trọng của sông Mekong với sự phát triển của Tiểu vùng và cuộc sống của người dân.
Tuyên bố xác định khuôn khổ hợp tác trên 3 trụ cột về (i) chính trị và an ninh, (ii) kinh tế và phát triển bền vững, (iii) xã hội, văn hóa và giao lưu con người với 5 phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
MLC đã cơ bản duy trì cơ chế họp cấp cao 2 năm/lần, họp thường niên cấp bộ trưởng, họp SOM và các nhóm làm việc.