Dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 “tiên phong”; đề nghị các bộ ngành, địa phương phấn đấu đạt tăng trưởng GDP hai chữ số, dù chỉ tiêu Quốc hội giao chỉ trên 7% và mức Thủ tướng, Chính phủ đề ra trước đó chỉ trên 8%.
Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực
Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, năm Việt Nam đạt 15/15 chỉ tiêu được Quốc hội giao, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.
Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn, trong báo cáo công bố giữa tháng này, HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái. Con số 7% cũng là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu - vốn đang suy giảm, cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
“Việc Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVidia ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tháng 12. Sự kiện này mang tính bước ngoặt lịch sử, đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á" – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tư lệnh ngành KH&ĐT nhận định, ngành đã đóng góp quan trọng vào giữ vững ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội…, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường kinh doanh của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, năm 2025, toàn ngành KH&ĐT - thống kê tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc đến hết 2025, đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, kết nối với Trung Quốc, các dự án năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo.
Các đơn vị phải đồng hành, xác định khó khăn của doanh nghiệp cũng là vướng mắc của mình để tháo gỡ, đồng thời, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ giúp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.
Phấn đấu tăng trưởng hai con số vào năm 2025
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2024, ngành KH&ĐT và thống kê đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô; Thể chế, cơ chế chính sách về quản lý kinh tế tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; Công tác quy hoạch được tập trung triển khai, cơ bản đáp ứng tiến độ, chất lượng; Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt gắn với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; Đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam…
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành làm tốt hơn nữa việc điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng tốc. Việc này nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cao hơn chỉ tiêu Trung ương và Quốc hội đã giao.
Năm 2025, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, Thủ tướng nhấn mạnh 5 “tiên phong”:
Thứ nhất là tiên phong trong đổi mới tư duy, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng, đã nói là làm, đã làm phải có hiệu quả. Thứ 2, tiên phong trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, vì thể chế là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển. Thứ 3, tiên phong trong dẫn dắt, thu hút nguồn lực. Thứ 4, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và cơ cấu lại nền kinh tế. Thứ 5 tiên phong trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để hoạch định chính sách trên cơ sở dữ liệu quốc gia một cách khoa học, hiệu quả.
Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đề xuất các mô hình kinh tế mới, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Với đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu tăng giải ngân, tiếp tục cắt giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000 dự án. "Đầu tư không dàn trải, manh mún, tập trung vốn cho các công trình chiến lược quốc gia" - Thủ tướng nói, nhấn mạnh Việt Nam cần có hạ tầng để khai thác các không gian phát triển mới (ngầm, trên biển, vũ trụ).
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô; tăng cường thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước và các dự án trọng điểm như: Hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau; Khởi động đường sắt kết nối Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh; Đường sắt cao tốc Bắc Nam; Đường sắt kết nối nội đô của Thành phố Hồ Chính Minh và Hà Nội. Bộ phải tham mưu cho nhà nước khai thác không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ. Theo Thủ tướng muốn khai thác được các không gian này thì phải có hạ tầng.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, Bộ KH&ĐT cần làm tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội để xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng.