Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, đón bắt thời cơ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cũng như năm 2021. Trước hết là tập trung quán triệt, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thứ hai là tiếp tục quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 trên tinh thần “vaccine + 5K”, nếu có ổ dịch xuất hiện thì truy vết thần tốc, khoanh nhanh ổ dịch. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân theo đúng ý kiến của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép để kinh tế xã hội phát triển nhưng kiểm soát tốt dịch bệnh.
Bày tỏ chia sẻ với những ngành hàng không, dịch vụ, du lịch đang gặp bế tắc, một số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, Thủ tướng nêu rõ, phải khắc phục được tình trạng một số doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, bán lẻ.
Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng.
Thời cơ đối với Việt Nam rất lớn, xu hướng dòng vốn vào Việt Nam rất rõ ràng. Cho nên, phải có môi trường đầu tư tốt để thu hút.
Bên cạnh phát huy vai trò các tập đoàn kinh tế Nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài.
Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm bố trí một cuộc đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA.
Rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. Nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế và tạo nguồn thu lâu dài là chủ trương về chính sách tài khóa và tiền tệ. Đặc biệt phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh trọng điểm khác ở miền Đông Nam Bộ. Phấn đấu không được để nợ các văn bản hướng dẫn luật tại Chính phủ trước khi bàn giao.
Việc phát động trồng 1 tỷ cây xanh, tương đương 5 triệu ha rừng ở các địa phương cần tiếp tục được thúc đẩy. “Các đồng chí ở các bộ, ngành phải làm tốt việc này, nhất là các bộ có liên quan, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phải có cơ chế để phát động ở các địa phương”, Thủ tướng nói.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (dự kiến từ ngày 24/3-7/4), kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, tập trung chủ yếu xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và công tác nhân sự, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các báo cáo gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội theo đúng thời hạn quy định.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe, thảo luận về kết quả thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo đó, tổng số vốn ngân sách trung ương trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 576,851 tỷ đồng.
Theo Thủ tướng, điều này góp phần quan trọng nâng cao tỉ lệ giải ngân, sớm đưa các công trình kết cấu hạ tầng vào hoạt động. Đây là một chủ trương rất cần thiết. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện báo cáo, thừa ủy quyền báo cáo cơ quan của Quốc hội và Quốc hội theo quy định.