Thú vị chợ nổi miền Tây ở Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) những ngày này đang xôn xao với khu chợ nổi miền Tây được tái hiện một cách đầy nghệ thuật. Du khách có thể vừa đi chợ, vừa thưởng thức những điệu hò mang đậm nét văn hóa miền Tây Nam Bộ.

Hồ hởi đi chợ nghe hát

Trong khuôn khổ Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam", phiên chợ nổi Nam Bộ lần đầu được tái hiện một cách chân thực, rõ nét ngay tại Thủ đô. Năm đầu tiên thực hiện mô hình này đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân cũng như du khách nước ngoài đến trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước trời Nam.
Thú vị chợ nổi miền Tây ở Hà Nội - Ảnh 1
Gần 30 chiếc thuyền cùng nhiều loại mặt hàng đã vượt hơn 2.000 cây số từ Nam Bộ ra Hà Nội để đem đến cho du khách cảm xúc chân thực về phiên chợ vùng sông nước. Trong không gian náo nhiệt, du khách có dịp ngồi đò và thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản như: Chôm chôm Phong Điền, sầu riêng, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, dâu Hà Châu, bưởi da xanh, thanh long Bình Thuận... Thêm vào đó là những món điểm tâm thơm ngào ngạt như bánh canh, bánh tầm, bánh bò, hủ tiếu, chè đậu đỏ... do chính các cô gái miệt vườn phục vụ tận nơi. Nét độc đáo của phiên chợ là trên mỗi chiếc thuyền, người bán thường treo những sản phẩm của mình, rất thuận tiện cho du khách có thể lựa chọn những sản phẩm mình cần. Tất cả du khách, đủ mọi lứa tuổi đều rất nóng lòng chờ đợi đến lượt mình lên thuyền và trải nghiệm cảm giác mới lạ này.

Sau một vòng dạo chơi trên thuyền, Đỗ Thùy Linh (Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ: "Dù trước đây qua truyền thông mình đã biết đến chợ nổi, nhưng được trực tiếp trải nghiệm thì đây là lần đầu. Cảnh người mua người bán thực sự nhộn nhịp, nhưng mình thích nhất là lúc thưởng thức bát chè đỗ đen nóng hổi trong tiết trời đầu đông ngay trên dòng nước lững lờ".

Phần đông du khách đến với phiên chợ nổi lần này ấn tượng với vẻ đẹp dịu dàng, giọng nói ngọt ngào và cử chỉ thân thiện của những cô gái miền Tây trong tà áo bà ba giản dị. Anh Cồ Tuấn Anh, quê Nam Định nhận xét: "Không gì bằng được thưởng thức và ngâm nga theo những làn điệu hò của các cô gái miền Tây. Qua phiên chợ lần này, mình hiểu thêm nhiều điều về nét văn hóa vùng đất Nam Bộ".

Quảng bá văn hóa truyền thống

Chợ nổi được tái hiện tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tuy không sầm uất như chợ thật, nhưng vẫn truyền tải tương đối đầy đủ nét đặc sắc của chợ miền Tây Nam Bộ.

Không chỉ giới thiệu văn hóa mới lạ đến cho người dân Bắc Bộ, việc tái hiện chợ nổi còn góp phần "làm giàu" thêm cho Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Bởi sau khi kết thúc sự kiện này, toàn bộ 30 tàu thuyền sẽ được bàn giao lại cho Làng văn hóa để tiếp tục duy trì các hoạt động quảng bá trong thời gian tới. Ông Đình Chiến - Phó Tổng đạo diễn kịch bản Chợ nổi Nam Bộ (vốn là người Cần Thơ), cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng dành thời gian hướng dẫn người dân nơi đây cách chèo thuyền, dạy họ những điệu ca Nam Bộ để chợ nổi lúc nào cũng được tái hiện hoàn hảo, phục vụ du khách quanh năm". Ngay cả các cô gái miền Tây cũng vô cùng hào hứng khi chung tay tạo nên không gian chợ nổi ở Hà Nội. "Mình rất vui khi ra đây để mang những nét đặc trưng quê hương giới thiệu với mọi người. Mong rằng, khách du lịch và người dân địa phương sẽ yêu thích cũng như tiếp tục gìn giữ nét văn hóa này ngay cả khi chúng mình không còn ở đây" - "cô lái đò" Ngọc Hân chia sẻ.

Bên cạnh điểm sáng là chợ nổi miền Tây, trong tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - di sản văn hóa Việt Nam", nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Chợ vùng cao phía Bắc, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội Ok-om-bok… tiếp tục diễn ra đến hết 24/11.