Tủ sách yêu thương
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thúy Liễu (người sáng lập thư viện) cho biết, vốn yêu đọc sách, từ lâu, bà đã ôm ấp ý tưởng mở một thư viện sách ngay tại khu dân cư để người dân và trẻ em có thể tìm đến đọc. Qua đó, lưu giữ và phát huy giá trị nguồn sách đồ sộ trong khu dân cư, góp phần vào việc truyền bá kiến thức qua sách và sự phát triển của văn hóa đọc trong cộng đồng.Được bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và khu dân cư cùng ủng hộ, bà Liễu mới bắt tay vào thực hiện dự án. Đến năm 2001, khi xây dựng xong nhà văn hóa của khu dân cư số 11, bà Liễu bắt tay thực hiện thư viện sách cho thiếu nhi. Tuy thư viện sách không mấy rộng rãi, nhưng bà vẫn cố gắng bố trí đầy đủ chỗ ngồi, kệ sách, bàn, tủ. “Không gian chưa đủ rộng, nhưng đây là nơi chứa đựng tình yêu sách và truyện cho trẻ em, thay vì để các em đi chơi game hay xem tivi” - bà Liễu chia sẻ. Từ ý nghĩa thiết thực đó, người dân trong khu dân cư đã đặt cho thư viện sách cái tên dễ thương “Tủ sách yêu thương”.Điểm hẹn văn hóaSau gần 20 năm hoạt động, đến nay, thư viện của khu dân cư 11 đã có hơn 3.000 đầu sách với nhiều loại từ truyện Doreamon, Conan, truyện cổ tích Việt Nam, thần thoại Hy Lạp đến các sách về khoa học, du lịch, văn học... Sách, báo đều do bà con và thiếu nhi trong khu mang đến tặng thư viện. Hàng năm sách ở đây đều được lựa chọn và bổ sung...
Bà Liễu cho biết, mở cửa 3 buổi/tuần, đến với thư viện thiếu nhi có thể đọc tại chỗ hoặc được mượn sách về nhà, vì vậy đã thu hút được khoảng 30 cháu đến phòng đọc mỗi tuần. Tất cả sách đều có sự chọn lọc để phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Vốn là Chủ nhiệm nhà văn hóa thiếu nhi Khu dân cư số 11 nên khi các em tới đây đọc sách, bà Liễu còn khéo léo lồng ghép, tổ chức các hoạt động như: Kể chuyện với sách, thi cờ vua, kéo co… để làm phong phú thêm các hoạt động và giúp các em giải trí.“Trẻ em ngày nay hình như thích cả ngày cặm cụi chơi game trên điện thoại hay iPad. Không phải các em không muốn và không thích đọc sách, mà vì không được người lớn hướng dẫn cái hay, bổ ích của việc đọc sách. Mục đích chính của “Tủ sách yêu thương” là hướng trẻ em đến các hoạt động tìm hiểu khoa học, văn hóa thông qua sách. Vì vậy, tôi mong muốn các bậc phụ huynh có dư những quyển sách, truyện có nội dung phù hợp với trẻ em thì đóng góp để làm phong phú thêm "Tủ sách yêu thương"” – bà Liễu bày tỏ.Tìm đến thư viện sách của bà Liễu tại Khu dân cư số 11 mới thấy phong trào đọc sách nơi đây thật đáng ghi nhận. Các em nhỏ đến đọc sách báo đều ngoan ngoãn, lễ phép chào hỏi và tỏ ra ham thích. Các em lần lượt xếp hàng để được mượn sách và trả sách đúng quy định. Tất cả những ai mượn sách, đọc sách tại thư viện đều được bà Liễu ghi chép cẩn thận.Sau gần 20 năm ra đời và hoạt động, thư viện sách của bà Liễu thực sự trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa và sức lan tỏa mạnh. Bởi thư viện không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở khu dân cư mà còn giúp các em tiếp cận tri thức một cách đúng nghĩa.