Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thừa cân, béo phì ở trẻ: nhiều hệ quả nghiêm trọng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân, béo phì tăng lên nhanh chóng ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ (5-19 tuổi) bị thừa cân, béo phì đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm. Thừa cân, béo phì dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng về tâm lý, nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Nhiều nguyên nhân gây thừa cân, béo phì

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, theo kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017-2021 tại 90 trường ở các khối lớp 5, 9, 12 trong giai đoạn 5 năm từ 2017-2021 (mỗi năm khoảng 7.300 học sinh), học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao nhất với 37,8%; trong khi tỷ lệ này ở học sinh THCS là 16,8% và học sinh THPT là 11,3%.

Đáng nói là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm và ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành. Cụ thể, một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%.

“Trẻ bị thừa cân, béo phì dễ chịu ảnh hưởng về tâm lý, cùng với đó là nguy cơ mắc phải các bệnh như: đái tháo đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư…” - PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cảnh báo.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ từ 5 đến 19 tuổi ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Thừa cân, béo phì dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng. Xét nghiệm 500 trẻ béo phì thì có 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Mặt khác, đái tháo đường không còn là bệnh của riêng người lớn mà đang dần trẻ hóa.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.

Việc ít vận động thể lực và thời gian tĩnh tại nhiều lại có đóng góp đáng kể vào tình trạng gia tăng thừa cân béo phì ở lứa tuổi học đường. Tại Việt Nam, có khoảng 86,3% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm và ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành. 
Tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm và ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành. 

Theo các chuyên gia, thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh không lây nhiễm. Hơn 70% số ca tử vong liên quan đến bệnh không lây nhiễm. Thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm là vấ́n đề sức khoẻ đáng quan tâm và đang có xu hướng tăng tại Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, từ tác nhân sinh học, môi trường và các yếu tố đến từ việc sử dụng thuốc lá, chế độ sinh hoạt ít vận động thể chất và dinh dưỡng không cân bằng.

Các bệnh không lây nhiễm phổ biến đang gây ra gánh nặng sức khỏe tiêu biểu như tăng huyết áp với 26,2%; tim mạch 20,5%; ung thư chiếm 13,3%; bệnh hô hấp mạn tính là 4%; đái tháo đường là 3,9%...

Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có liên quan đến việc gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, các bệnh tim mạch và ung thư.

Người dân Việt Nam có xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và chất béo gồm thực phẩm chế biến đóng gói sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi, thực phẩm đường phố giàu năng lượng và chất béo...

Can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh, nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng. Nếu can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì ở giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.

Do đó, Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì ở học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội. Mục tiêu của mô hình này nhằm nâng cao nhận thức, hành vi về dinh dưỡng hợp lý của phụ huynh, học sinh và nhà trường trong phòng, chống thừa cân, béo phì, chủ động phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây lúc trưởng thành.

Trước mắt, mô hình này sẽ được thực hiện tại trường một số trường như: Tiểu học La Thành, quận Đống Đa; Tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm; Tiểu học Lê Lợi, quận Hà Đông...

“Xây dựng mô hình điểm các bữa ăn học đường đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện, kinh tế địa phương, kết hợp với các hoạt động thể chất. Mong rằng, trong tương lai, mỗi một trường học, một công ty thực phẩm, một tỉnh, thành… đều có ít nhất 1 cử nhân về dinh dưỡng làm việc” - PGS.TS Bùi Thị Nhung nêu rõ.

Để phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung, trong đó có thừa cân, béo phì, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý, khuyến khích các hoạt động và phong trào luyện tập thể dục, thể thao cho cộng đồng, nhất là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên để duy trì lối sống lành mạnh...

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cơ quan quản lý thị trường và ATTP cần giám sát và quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo quy định mới được lưu hành trên thị trường.  Cùng đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố hiện đang không đảm bảo về dinh dưỡng và vệ sinh, ATTP.

 

Kiểm soát nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực, cùng với chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm, điều trị, quản lý liên tục và lâu dài.

TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia