Chuyện dạy và học Ngoại ngữ ở bậc phổ thông lại “nóng” khi vấn đề này được đem ra mổ xẻ. Thiếu thực hành Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng việc cải thiện chất lượng dạy - học tiếng Anh trong trường phổ thông vẫn “vướng”. Có thể khẳng định, nếu không theo học các khóa tiếng Anh bên ngoài nhà trường, học sinh (HS) học hết lớp 12 không thể giao tiếp, sử dụng tiếng Anh một cách cơ bản.
Lý giải thực trạng này, bà Phan Hồng Nga - giảng viên môn tiếng Anh, Đại học (ĐH) Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội cho rằng, HS không có môi trường giao tiếp, ít có cơ hội thực hành, chưa có hứng thú với môn học: “Vì không có động lực, nên các em chỉ học đối phó, để kiểm tra, thi cử, dẫn đến thói quen thụ động học Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất không đảm bảo, nhiều nơi đội ngũ giáo viên (GV) chưa đạt chuẩn, thời lượng dành cho môn học ít… Đó là những rào cản ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học tiếng Anh”. Rất nhiều GV đang trực tiếp đứng lớp có cùng quan điểm này. Như bà Trần Thị Tâm - GV môn tiếng Anh, trường THCS Tân Minh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khẳng định: “3 tiết/tuần từ bậc tiểu học đến bậc trung học là quá ít, không có thời gian để HS thực hành, luyện nghe, nói. Như tôi được biết, một số nước trong khu vực đầu tư dạy Ngoại ngữ bài bản, đặc biệt dành thời lượng dạy tiếng Anh gấp 5 lần so với Việt Nam nên cơ hội thực hành của HS nhiều hơn”. Tăng thời lượng môn học Kết quả tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 với phổ điểm bình quân của TS chỉ đạt 2 đến chưa tới 3,5 điểm lại càng khẳng định việc học chưa đi đôi với hành, từ lý thuyết tới thực tiễn còn quá xa. Bà Nga cho rằng, để Ngoại ngữ đạt 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, trước hết Bộ cần tích hợp chương trình, giảm tải môn học, tăng thời lượng dạy - học: “Để HS nâng cao kỹ năng giao tiếp, phải bố trí thêm GV chuyên luyện kỹ năng nghe, nói, không nên để một GV đảm nhiệm cả 4 kỹ năng như hiện nay. Ngoài ra, cần đầu tư phòng học, thiết bị đạt chuẩn, đội ngũ GV đảm bảo chất lượng”. Bà Tâm cũng cho rằng, trước mắt cần lấp những thiếu hụt về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Ngoài nâng cao năng lực GV, cần tăng cường thời lượng cho môn học, bởi 45 phút/tiết học không thể đủ để giải quyết khối lượng kiến thức khổng lồ. Đặc biệt, phải có chế tài, có thẩm định chất lượng học Ngoại ngữ từ cấp tiểu học đến cấp THPT và phải có sự liên thông chặt chẽ. “Hiện nay chưa có thẩm định chất lượng từ cấp tiểu học đến cấp THPT, HS không phải thi môn Ngoại ngữ để vào cấp THPT. Chính điều này khiến HS không coi trọng việc học Ngoại ngữ, chỉ tập trung học Văn, Toán... dẫn đến rỗng kiến thức, lên cấp THPT, GV khó vực được khả năng Ngoại ngữ của HS... Bất cập này chính là nguyên nhân dẫn đến điểm thi tiếng Anh kỳ thi THPT thấp” – bà Tâm chia sẻ. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đối với việc dạy và học Ngoại ngữ là: Sớm thay đổi cách dạy – học, kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh theo 4 kỹ năng; tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn; có chính sách tuyển dụng, ưu đãi phù hợp để thu hút người giỏi tiếng Anh vào nghề sư phạm... Trước các yêu cầu này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên trong thời gian tới là đánh giá, đúc kết các bài học kinh nghiệm trong triển khai dạy - học Ngoại ngữ, để từ đó triển khai hiệu quả chiến lược dạy - học Ngoại ngữ. Tập trung đầu tư vào các cấu phần: Bồi dưỡng, nâng cao năng lực người dạy, nâng cao chất lượng nguồn học liệu, phương tiện dạy học, nâng cao chất lượng công tác khảo thí nhằm đáp ứng nhu cầu học tập Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các địa phương cần xác định rõ lộ trình, các nhiệm vụ ưu tiên trong việc mở rộng, nâng cao chất lượng dạy – học.
Học sinh khối 12 trường THPT Mê Linh trong giờ học Ngoại ngữ. Ảnh: Phạm Hùng |