70 năm giải phóng Thủ đô

Thừa phát lại hỗ trợ tích cực các cơ quan tư pháp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chế định Thừa phát lại được triển khai thực hiện trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2014 đến nay, mặc dù còn gặp những khó khăn, nhưng đã đi vào cuộc sống, tích cực hỗ trợ các cơ quan Tư pháp. Những người hành nghề Thừa phát lại dù vất vả khi thực hiện nhiệm vụ nhưng đã khẳng định được chỗ đứng của mình.

Tại Hà Nội, tháng 2/2014, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 5 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hà Nội (quận Thanh Xuân). Tháng 10/2014, UBND TP tiếp tục cho phép thành lập thêm 3 Văn phòng Thừa phát lại: Nam Từ Liêm, Thủ Đô (quận Cầu Giấy), Đông Dương (quận Đống Đa). Đến nay, đã có 8 văn phòng, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm).
 Cán bộ Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình tư vấn cho khách hàng. Ảnh: Thái San
Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được triển khai thực hiện và đã có được những kết quả tích cực. Các Văn phòng Thừa phát lại đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện một số công việc như: Tống đạt các văn bản, tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu tiền cho người được thi hành án...

Theo các Thừa phát lại, một trong những thế mạnh của các văn phòng là tống đạt văn bản của tòa án và lập vi bằng. Trước đây, các cơ quan, đơn vị chưa hiểu hết về Thừa phát lại nên Thừa phát lại gặp khó khăn trong việc tống đạt văn bản. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã kịp thời có văn bản tháo gỡ vướng mắc. Sau hơn 7 năm thực hiện tại Hà Nội, chế định Thừa phát lại đã khẳng định được chỗ đứng. Nhiều người dân đã biết đến chế định này và tự tìm đến các Văn phòng Thừa phát lại. Sinh viên ra trường cũng tin tưởng, kỳ vọng đây là một nghề có thể tạo dựng được việc làm ổn định.

Ngày 27/3 vừa qua, tại trụ sở Sở Tư pháp Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Chấp hành Hội đã họp phiên đầu tiên, bầu ông Nguyễn Văn Lạng làm Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội Thừa phát lại Hà Nội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công dân và tổ chức Việt Nam đang sinh sống, đang hành nghề Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Thừa phát lại là hội viên của Hội; duy trì sự ổn định, đoàn kết, phát triển hoạt động Thừa phát lại tại TP Hà Nội, chống việc cạnh tranh không lành mạnh; xây dựng các giá trị chuẩn mực của Thừa phát lại Thủ đô, phát triển đội ngũ Thừa phát lại có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

"Trong năm 2020, có 69.294 văn bản của tòa án được các Văn phòng Thừa phát lại tại Hà Nội tống đạt với doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng; 13,637 vi bằng đã được lập với doanh thu hơn 13,9 tỷ đồng. Đồng thời, trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự 1 vụ việc, giá trị thi hành án về tiền 2,6 tỷ đồng..." - Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội Nguyễn Văn Lạng