Theo đó, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành phương án sơ tán, di dời 14.384 hộ dân với 47.411 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế yêu cầu công tác sơ tán người dân phòng, chống bão số 4 (Noru) hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/9.
Trong đó, ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước thời điểm bão vào.
Đặc biệt, các khu vực ven biển thuộc huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang phải hoàn thành sơ tán sớm hơn, hoàn tất vào 12 giờ trưa nay 27/9. Đồng thời, tiến hành cưỡng chế di dời đối với các hộ dân không chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Công điện cũng nêu rõ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương tổ chức sơ tán dân; Có phương án đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia ứng phó bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu: “Các địa phương, các lực lượng chức năng không được chủ quan lơ là, bố trí lực lượng bảo đảm an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân”
Để ứng phó với bão Noru, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các khu chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tạm ngừng hoạt động mua bán từ 14 giờ ngày 27/9; cấm đường hoàn toàn (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt) từ 21 giờ ngày 27/9.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 27/9 đến tối ngày 28/9, trên địa bàn tỉnh có gần 2.200 khách du lịch (690 khách quốc tế) đang lưu trú trên địa bàn. Tỉnh cũng đã được hướng dẫn, triển khai các công tác đảm bảm an toàn cho toàn bộ du khách nói trên.