Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thừa Thiên Huế: Lao đao vì Covid-19, ngành du lịch tìm giải pháp phục hồi

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng như nhiều địa phương của cả nước, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hàng nghìn lao động thất nghiệp, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

7.000 lao động ngành du lịch thất nghiệp
Trái hẳn với những năm trước, các điểm du lịch Thừa Thiên Huế năm nay vắng lặng, sông Hương cũng không còn cảnh tấp nập, thuyền rồng nằm trơ bên bến sông. Hàng quán, phố xá cũng thưa thớt du khách và vắng bóng những chuyến xe chở khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu mảnh đất cố đô này.
Chủ khách sạn A.D (phường Phú Hội, TP Huế,) cho biết: Những năm trước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, từ tháng 4 trở đi khách sạn hầu như kín phòng cho hết tháng 9. Còn những tháng khác thì các phòng hoạt động 60 - 80% công suất. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khách sạn chỉ hoạt động cầm chừng. Mỗi ngày chí có 3 - 4 phòng hoạt động. “Mình cũng chỉ hoạt động cầm chừng, giờ người nhà vừa làm lễ tân vừa phục vụ buồng phòng”, chủ khách sạn này chia sẻ.
 Sông Hương vắng lặng những chuyến thuyền rồng ngược xuôi.
Theo ông Trần Hữu Thùy Giang - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế: Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, hoạt động du lịch hầu như ngừng hoạt động. Trong đó, 90% doanh nghiệp du lịch dịch vụ, lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, các điểm mua sắm du lịch… tạm dừng hoạt động.
Thống kê sơ bộ của Sở Du lịch, có trên 7.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch thất nghiệp, không có thu nhập hoặc phải chuyển ngành nghề khác. Trong đó, nhiều người dân vạn chài từ nghề đưa du khách trên sông Hương đã quay trở lại với ngư lưới cụ. Nhiều hướng dẫn viên du lịch phải tìm công việc khác kiếm sống. Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cũng phải cắt giảm bớt nhân sự bởi vắng bóng du khách khiến nguồn thu không đủ chi trả.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế chỉ khoảng 570.000 lượt, giảm gần 57% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch cũng sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt trên 1.000 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ và bằng 1/6 so với cùng kỳ năm 2019.
Là một vùng đất nổi tiếng về du lịch của miền Trung, Thừa Thiên Huế có đến 72 đơn vị lữ hành và văn phòng, đại lý du lịch. Trong đó, 43 đơn vị có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, 24 đơn vị kinh doanh nội địa, 5 văn phòng và đại lý du lịch.
Con đường Lê Duẩn trước đại nội Huế cũng vắng lặng khi lượng du khách sụt giảm.
Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp khiến lượng khách trong và ngoài nước đến Huế sụt giảm nghiêm trọng. Đến nay, đã có 25 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành ngưng hoạt động. Với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện tại nguy cơ sẽ có thêm nhiều đơn vị lữ hành tạm dừng hoặc ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, 80% cơ sở lưu trú phải đóng cửa, số cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng.
Tìm hướng đi cho ngành du lịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, rơi vào tình trạng chung của cả nước, ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn chưa thể phục hồi. Tuy nhiên, về lâu dài ngành Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã có những giải pháp.
Ông Trần Hữu Thùy Giang chia sẻ: “Để tái khởi động, phục hồi hoạt động du lịch, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch phục hồi phát triển du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, tập trung một số giải pháp chủ yếu, như kích cầu du lịch cùng các giải pháp phát triển dài hạn.
Cụ thể, Hiệp hội Du lịch tỉnh tiếp tục phối hợp, tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ tham gia chương trình kích cầu du lịch với hình thức đa dạng, nhằm hình thành gói kích cầu du lịch mang tính đồng bộ, thống nhất ở địa phương.
Đồng thời, đề xuất chuỗi, gói sản phẩm du lịch an toàn trên địa bàn. Trọng tâm trước mắt hướng đến các dịch vụ, như: Nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực… du lịch sinh thái cùng các tour du lịch khám phá địa phương. Hình thành khối liên minh các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu.

Đoàn gần 200 du khách xuất phát từ Hà Nội đến Huế bằng hình thức ''charter'' tàu hỏa (thuê nguyên chuyến) được triển khai vào tháng 4/2021 như một giải pháp kích cầu của ngành du lịch Thừa Thiên Huế. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.

Cùng với đó là các chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm kích cầu du lịch của địa phương, như giảm 50% phí tham quan các điểm di tích cho mọi đối tượng (dự kiến hết năm 2021 và phương án cho 2022). Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế sớm ban hành chính sách hoa hồng cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan các điểm di tích trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Sở Du lịch tiếp tục triển khai Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch đối với các đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ nhằm đảm bảo an toàn trong triển khai hoạt động du lịch. Trong đó, cập nhật và triển khai hệ thống Bluemap (bản đồ các điểm du lịch an toàn) cũng như bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trọng bối cảnh mới. Hoàn thiện tiêm vaccine cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch.