Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thừa Thiên Huế, Quảng Nam ngập sâu, nhiều vùng bị cô lập

Đức Thọ (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mưa lớn liên tục nhiều ngày qua cùng với thủy điện tăng cường độ xả lũ khiến nhiều khu vực tại Quảng Nam, Thừa Thiên Huế ngập lụt, người dân phải đi sơ tán, giao thông chia cắt.

Thừa Thiên Huế: 100m đê biển vỡ
Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 12 nên trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 200 - 630mm, xuất hiện lũ lớn trên các sông.
Đường thị trấn Khe Tre ngập sâu (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Nguyên Anh.

Tại huyện Phú Lộc, trưa nay nước lũ kéo về nhanh đã gây vỡ trên 100m đê ven biển thuộc xã Vinh Hải. Nước biển tràn vào các cánh đồng, tuyến QL 1A đã bị chia cắt, nhiều xã bị cô lập.

Ghi nhận tại TX Hương Trà, toàn huyện có trên 120ha màu của người dân bị ngập, 10 lồng cá của người dân ở các phường Hương Xuân, Tứ Hạ, Hương Vân bị trôi, 1.500 nhà bị ngập từ 0,3 - 0,7m. Địa phương cũng đã cho di đời 192 hộ với 668 khẩu thuộc các xã, phường Hải Dương, Hương Vinh, Hương Hồ, Hương Phòng... đến nơi an toàn.

Tại huyện Phong Điền, nước sông Bồ lên cao gây ngập úng và chia cắt nhiều vùng thuộc xã Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền.

Tại tỉnh lộ 11 A, tỉnh lộ 11B, nhiều đoạn bị ngập sâu, gây khó khăn đi lại của người dân. Tại địa bàn xã Phong Xuân, một số thôn Bến Củi, Hiền An, Cổ Xuân bị chia cắt. Tại các xã Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền nhiều diện tích sắn, lạc, lúa, hoa màu của bà con nông dân bị ngập sâu trong nước.

Cùng với đó trên tuyến QL 49A tại km 55 thuộc địa phận xã Hồng Hạ của huyện A Lưới, do sạt lở ta luy dương với khối lượng lớn. Cũng trên tuyến Quốc lộ này, tại vị trí km 76 thuộc địa bàn 2 xã Sơn Thủy và Phú Vinh xảy ra sạt lở đất đá với khối lượng ước tính 300m3, đất tràn mặt đường. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ xã Hương Phong đi Hương Lâm cũng bị sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt.

Tại huyện Nam Đông, lũ lớn đã xuất hiện làm nước và đất đá tràn vào hơn 100 hộ dân; trong đó, có 31 nhà ở thị trấn Khe Tre và Hương Lộc bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, xuất hiện sạt lở bờ sông, bờ suối với chiều dài 600m ở Hương Sơn, Thượng Long; sạt lở đường trục thuộc xã Hương Lộc với chiều dài 30m.

Còn trên địa bàn TP Huế, nhiều tuyến đường nhập sâu, đặc biệt là các điểm thi công dự án cải thiện môi trường nước và dự án hạ tầng toàn TP.

Tại các phường thấp trũng như: Phú Hậu, Phú Hiệp, Hương Long, Hương Sơ…, hiện Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP Huế đã chỉ đạo theo dõi tình hình, lên phương án di dời khi nước dâng cao.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có thông báo về việc các lăng Đồng Khánh, Thiệu Trị và Gia Long đã ngập phía trước và đường vào.
 Phố cổ Hội An ngập sâu trong nước. Ảnh: Xuân Thọ.

Quảng Nam: Thủy điện xả tràn khiến lũ dâng cao

Ghi nhận tại thị xã Điện Bàn sáng 5/11, nhiều khu vực trũng thấp đã bị ngập sâu 0,5m đến 1m. Nặng nhất là tại xã Điện Phương, đường giao thông ở hầu hết các thôn thuộc xã này đã bị chia cắt, chỉ có thể đi lại bằng ghe, thuyền. Hàng trăm ngôi nhà khác tại các địa phương như: Điện Phong, Điện Quang, Điện Nam Đông, Điện Minh hiện cũng đang ngập sâu trong nước.

Cũng trong sáng 5/11, nhiều thủy điện ở thượng nguồn đồng loạt xả tràn khiến nước lũ dâng rất nhanh khiến nhiều vùng ở huyện Quế Sơn và Duy Xuyên đã bị cô lập…

Tại huyện Duy Xuyên, hiện nay một số đoạn trên trục đường ĐT 610 từ ngã 3 Nam Phước lên Mỹ Sơn đã bị ngập. Trong khi đó, do hệ thống giao thông nông thôn bị chia cắt khiến nhiều khu dân cư bị cô lập, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Hàng trăm hộ dân nằm ở các khu vực trũng thấp của các xã Duy Trinh, Duy Châu, Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh, thị trấn Nam Phước thuộc huyện Duy Xuyên cũng đang chạy lũ.

Trong khi đó tại TP Hội An, mực nước đang là 2,05m, trên mức báo động 3 là 0,05m. Nước tràn vào làm ngập nhiều khu vực, đường phố. Nặng nhất là các tuyến đường như Bạch Đằng, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Phúc Chu, Phan Bội Châu, giao thông bị chia cắt.

Tại khu phố cổ, người dân đã chủ động di chuyển, kê đồ đạc lên nơi cao hơn. Theo thống kê, xã Cẩm Kim ngập toàn bộ; xã Cẩm Nam ngập khoảng 50%; còn các xã phường khác như Thanh Hà, Cẩm Phô, Minh An, Sơn Phong, Cẩm Thanh… thì ngập một phần.

Tại Tam Kỳ, nước ở các vùng ven thành phố tiếp tục dâng lên. Tại khối phố Trường Đồng (phường Tân Thạnh) nước đang lên nhanh. Tại cột mốc báo lũ đặt tại khối phố Trường Đồng của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Phú Ninh, mức lũ đạt 2,3m.

Tại huyện Phú Ninh, mưa lũ đã làm cho những khu trồng rau ở xã Tam An, Tam Phước, Tam Đàn bị ngập úng nghiêm trọng. Một số người dân đang cố gắng thu hoạch số rau màu còn lại. Nước lũ lên nhanh mấp mé quốc lộ 1.

Trong khi đó khu vực xã Bình An, huyện Thăng Bình bị ngập nghiêm trọng. Các xã ở vùng đông như Bình Dương, Bình Minh có gió lớn, một số mái hiên nhà bị gió cuốn bay.