Thuận lợi cho người dân, giảm tải cho cán bộ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xuất phát từ quan điểm, đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính (CCHC) để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và giảm tải cho cán bộ.

Vì vậy, năm 2012, huyện Từ Liêm trở thành đơn vị đi đầu của TP Hà Nội về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực này, mặc dù lượng hồ sơ hành chính mà Từ Liêm tiếp nhận gần 500.000, gấp 5 lần quận Thanh Xuân, 7 lần so với huyện Gia Lâm và 30 lần so với các huyện Sóc Sơn, Mê Linh.

Quyết liệt áp dụng CNTT

Ông Trần Thanh Long, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết, từ năm 2012 đến nay, huyện đã ban hành trên 20 văn bản liên quan tới công tác CCHC, riêng quý I/2013, huyện đã có 5 văn bản chỉ đạo triển khai Chỉ thị 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP về thực hiện Năm kỷ cương hành chính 2013. Với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đạt 99,56%, đến nay toàn bộ 6 nội dung của công tác CCHC đã được huyện triển khai đồng bộ. 223 thủ tục hành chính (TTHC) cấp huyện, trong đó có 130 TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa và 93 TTHC theo cơ chế một cửa liên thông. Toàn bộ 100% TTHC cấp huyện được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, cũng như cung cấp trực tuyến trên Cổng giao tiếp điện tử của huyện đạt mức độ 2, trong đó, TTHC lĩnh vực đăng ký kinh doanh, hộ tịch cung cấp trực tuyến ở mức độ 3.

Để có được kết quả trên, từ năm 2011, huyện Từ Liêm đã chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động, đưa hệ thống máy tính và mạng LAN cho tòa nhà tiếp dân; hoàn thiện module tính thuế tích hợp với phần mền ISO điện tử - một cửa liên thông; lắp đặt mạng cáp quang, kết nối trụ sở tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC với trụ sở UBND huyện, tạo thành mạng nội bộ duy nhất, thuận lợi cho việc quản lý, điều hành. Tiếp đến đưa phần mềm "ISO điện tử - Một cửa liên thông" vào hoạt động, đáp ứng tất cả các lĩnh vực được ban hành tại bộ phận "Một cửa". Bên cạnh đó, huyện cũng luôn bám sát văn bản, chương trình của TP trong lĩnh vực này. Huyện cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn khi tiếp nhận hồ sơ trong nội bộ huyện không bắt buộc công chứng.

Thuận lợi cho người dân, giảm tải cho cán bộ - Ảnh 1

Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Việc dân phải gắng sức

Mặc dù công tác CCHC của Từ Liêm đã đi vào nền nếp và vận hành hiệu quả, nhưng cũng chính vì được người dân đánh giá tốt nên bộ phận “một cửa” của huyện đang chịu áp lực quá tải. Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chánh văn phòng UBND huyện, bất cập hiện nay là việc chuyển chứng thực văn bản song ngữ từ cấp xã lên huyện. Theo bà Oanh, bản chất của chứng thực văn bản là cán bộ chỉ sao y bản chính, văn bản gốc có sai sót thì trách nhiệm thuộc tổ chức, cá nhân ban hành. Vì vậy nếu cho rằng, việc này phải cần cán bộ có trình độ ngoại ngữ là hiểu chưa đúng và chuyển lên cấp huyện không những gây lãng phí thời gian của dân mà còn đẩy áp lực công việc lên bộ phận một cửa của huyện.

Một vấn đề nữa, bộ phận “một cửa” càng nhiệt tình, trách nhiệm bao nhiêu thì lại càng chịu quá tải bấy nhiêu. Mới nghe có vẻ vô lý, nhưng đó lại là bài toán cần có lời giải về chính sách. Bà Oanh cho biết: Việc bố trí máy đánh giá chất lượng hài lòng của tổ chức, công dân với cán bộ một cửa ở Từ Liêm được tích hợp trên Cổng điện tử huyện và tỷ lệ đánh giá là tốt luôn đạt trên 70%. Chính sự tín nhiệm này nên số lượng hồ sơ giao dịch ngày càng nhiều và khi đó khó có thể đáp ứng được yêu cầu của 100% tổ chức cá nhân, vì vậy, không thể tránh khỏi có ý kiến này, ý kiến khác, nhưng về trách nhiệm, chúng tôi khẳng định luôn làm tròn vì đây là việc dân nên phải gắng sức.

Mới đây, khi làm việc với huyện Từ Liêm, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chia sẻ khó khăn của huyện về quá tải dân số, hạ tầng… và đánh giá cao việc thực hiện CCHC theo cơ chế một cửa liên thông, giữ vững niềm tin của người dân với chính quyền là điểm sáng của TP về CCHC. Để phát huy và duy trì kết quả này, Bí thư Thành ủy cho rằng, huyện cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ tại bộ phận một cửa. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhất là trong quản lý đất đai, trật tự đô thị... bởi, có làm tốt, dân mới tin, an ninh chính trị mới ổn định và huyện mới phát triển bền vững.