Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuật thay tên đổi họ ở V.League

Chia sẻ Zalo

KTĐT - QK4 trở thành Ngân hàng Nam Việt, Công an TPHCM thành Ngân hàng Đông Á, Công an Hà Nội thành Hàng Không Việt Nam… trong 9 năm lịch sử, V.Leage từng chứng kiến nhiều CLB thay tên đổi họ chỉ sau một chữ ký.

KTĐT - QK4 trở thành Ngân hàng Nam Việt, Công an TPHCM thành Ngân hàng Đông Á, Công an Hà Nội thành Hàng Không Việt Nam… trong 9 năm lịch sử, V.Leage từng chứng kiến nhiều CLB thay tên đổi họ chỉ sau một chữ ký.

QK4 chỉ được biết đến từ năm 2006 – thời điểm họ giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhất. Năm 2008, QK4 gây ấn tượng mạnh mẽ bằng chức vô địch giải hạng Nhất kèm theo suất thăng hạng V.League.

Ở lần đầu tiên có mặt tại V.League, QK4 từng có thời điểm lọt vào top 3 đội mạnh nhất. Giành quyền trụ hạng ở vòng đấu cuối cùng, QK4 đã ít nhiều để lại ấn tượng với giới chuyên môn. Cứ ngỡ với bước khởi đầu ấy, QK4 sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc ở V.League.

Thế nhưng thật bất ngờ, khi mà HLV Vũ Quang Bảo và các học trò vừa tập trung trở lại chuẩn bị cho mùa bóng mới, cái tên QK4 lập tức bị xóa sổ. Chỉ sau một cuộc thương thảo, lãnh đạo QK4 đã quyết định bán đội cho Navibank.

Từ ngày 27/10/2009, cái tên QK4 biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Thay vào đó, HLV Vũ Quang Bảo và 25 học trò sẽ thi đấu tại V.League 2010 dưới cái tên mới, Navibank Sài Gòn. Đội bóng này cũng chuyển luôn đại bản doanh từ Vinh vào TPHCM, lấy sân Thống Nhất làm sân nhà.

Trước QK4 đúng một tháng, Thể Công – đội bóng giàu truyền thống nhất Việt Nam cũng bị xóa tên. Thể Công được giao cho Viettel, lấy luôn tên gọi của doanh nghiệp này.

Có thông tin, Viettel chưa phải là tên gọi tiếp theo của Thể Công bởi doanh nghiệp này đang muốn bán luôn cả đội. Viettel đang được định giá khoảng 80 tỷ đồng. Nếu đối tác nào chấp nhận mức giá này, sẽ có một cái tên mới nữa xuất hiện ở V.League 2010.

Không chỉ QK4, Thể Công, trong lịch sử 9 năm ngắn ngủi, V.League từng chứng kiến nhiều thuật đổi tên ở các CLB khác. Năm 2002, Công an TPHCM – đội bóng nổi tiếng nhất của thành phố mang tên Bác bất ngờ được chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á.

Sau khi chuyển giao, Ngân hàng Đông Á thi đấu bết bát, rồi dính vào tiêu cực năm 2005. Đội bóng này sau đó đã giải tán, xóa sạch dấu vết của Công an TPHCM ngày nào.

Nổi tiếng không kém Thể Công hay Công an TPHCM là Công an Hà Nội. Năm 2002, tưởng như Công An Hà Nội sẽ trở thành một thế lực mới ở V.League thì lãnh đạo đội ra quyết định giải tán.

CAHN sau đó đã được Hàng Không Việt Nam tiếp nhận. Đội bóng này sau đó đã phải xuống hạng Nhất.

Không dừng ở đó, Hàng Không Việt Nam tiếp tục tuyên bố giải tán vào năm 2003. Đội sau đó được chuyển giao cho Ngân hàng Á châu, lấy tên LG.Hà Nội.ACB.

Dưới sự quản lý của Ngân hàng Á châu, Hà Nội.ACB cũng không khá hơn là mấy. Năm 2008, đội này bị xuống hạng Nhất và trầy trật ở giải đấu này tới tận bây giờ.

Cũng năm 2002, Công an Hải Phòng – đội bóng đầy cá tính của đất Cảng cũng bị giải tán. Liền sau đó, dưới sự quản lý của Sở TDTT, CA.Hải Phòng mang tên Thép Việt Úc Hải Phòng. Thế nhưng cái tên này chỉ tồn tại được hai năm thì được chuyển giao cho Vạn Hoa, lấy tên gọi Vạn Hoa Hải Phòng.

Năm lần bảy lượt thay tên, chuyển chủ nhưng những “truyền nhân” của CA.Hải Phòng đều không tạo dựng được thành tích như các bậc tiền nhân. Hai năm gần đây với tên gọi Xi măng Hải Phòng, đội bóng này khá nổi tiếng ở V.League nhưng chủ yếu là ở khía cạnh kinh doanh, scandal thay vì thành tích.