Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 200 đại biểu nữ và nam là các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Hội thảo tham vấn đã dự Hội thảo tham vấn "Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động" diễn ra vào sáng 19/10 với nhiều nội dung được đề cập để thúc đẩy việc bình đẳng giới do Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán Úc, Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc phối hợp tổ chức.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách từ các cơ quan chính phủ, thành viên Ban Soạn thảo, đại diện Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện chính quyền địa phương, doanh nghiệp, truyền thông, đối tác phát triển (các tổ chức quốc tế bao gồm UN), các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ quốc tế, tổ chức phi chính phủ địa phương, các nhà khoa học/chuyên gia về giới, đại diện từ các đối tác chương trình Aus4Vietnam đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định: Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để chúng ta xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận 'bảo vệ lao động nữ' của các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) Hà Đình Bốn thông tin, Bộ luật Lao động sửa đổi đã, đang và sẽ có nhiều hội thảo, lấy ý kiến trên mạng để khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ vào tháng 1/2019.
Cụ thể, 12 vấn đề chính về giới trong Bộ luật Lao động đã được đưa ra, bao gồm: Tuổi nghỉ hưu bằng nhau đối với nữ và nam. Bổ sung các quy định hiện hành để xác định rõ hơn và bảo vệ tốt hơn người lao động khỏi quấy rối tình dục trong lao động. Bổ sung các quy định hiện hành để thực thi tốt hơn việc trả công bình đẳng giữa nam và nữ đối với công việc có giá trị như nhau. Bỏ danh mục nghề nghiệp cấm phụ nữ chỉ vì lý do giới tính. Thêm một điều khoản mới cấm người sử dụng lao động quảng cáo tuyển dụng và ban hành các tài liệu liên quan đến công việc có nội dung phân biệt đối xử vì lý do giới tính. Thêm quy định mới về cha mẹ nghỉ sinh con và nghỉ để chăm sóc cho các thành viên phụ thuộc của lao động nam và nữ. Tinh chỉnh các điều khoản để hỗ trợ và tạo điều kiện trong việc chăm sóc con nhỏ và cho con bú ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và nam. Làm rõ các quy định hiện hành về quyền của lao động nữ và nam trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Xem xét lại toàn bộ các quy định về làm thêm giờ. Kiểm tra lại các quy định về xác lập thang lương, bảng lương và định mức lao động. Quy định về hội đồng hợp tác hai bên để thực hiện đối thoại tại nơi làm việc. Sửa đổi Chương X, Bộ luật Lao động theo hướng bỏ những định kiến gây bất lợi cho phụ nữ như trong thời gian kinh nguyệt được nghỉ hưởng lương.
Trong đó, dự thảo đã đưa các phương án sửa đổi về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động.
Lao động nữ mang thai cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lí do phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Còn chủ sử dụng lao động lại không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản. Bên cạnh đó, không được xử lý kỷ luật sa thải đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bên cạnh việc bố trí việc làm nhẹ nhàng hơn cho lao động nữ mang thai, chủ sử dụng lao động không được bố trí họ làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa nếu lao động nữ mang thai không đồng ý…
“Bình đẳng giới là một nội dung quan trọng trong Bộ luật Lao động. Do đó, các lĩnh vực cần cải thiện bao gồm tuổi nghỉ hưu, công việc bị hạn chế đối với phụ nữ, định nghĩa quấy rối tình dục, cha mẹ nghỉ sinh con/cha nghỉ khi sinh con, lương bình đẳng và định kiến giới; Biện pháp để giải quyết những vấn đề này khi sửa đổi Bộ luật Lao động, vừa để giải đáp những lo ngại đối với điều ước quốc tế, vừa để tạo ra môi trường thuận lợi để trao quyền kinh tế cho phụ nữ ở Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà Nói.
 Với tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua Dự án Investing in Women, nhóm chuyên gia của Economica đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới của người lao động để tham vấn về vấn đề này trong sửa đổi BLLĐ của Việt Nam.