Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy các giải pháp sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu Net Zero

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình khoa học, công nghệ Net Zero được kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, công nghệ giảm phát thải nhà kính, các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo "Triển khai Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng Đông Nam Bộ", do Bộ KH&CN phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, ngày 28/12.

Nền tảng tạo ra các giải pháp đột phá về công nghệ xanh

Chương trình KH&CN Net Zero là một trong những hành động khẩn trương, kịp thời của Bộ KH&CN trong việc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hình thành ngay một Chương trình KH&CN quốc gia phục vụ trực tiếp mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.

Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình KH&CN quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp KH&CN, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP26).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo.

Đây là Chương trình có nhiều nét mới, được triển khai theo hướng “tiếp cận từ mục tiêu”, huy động nguồn lực, trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp kết hợp các nhà khoa học, chuyên gia từ khối Viện, Trường Đại học và nhà nước để giải quyết mục tiêu cụ thể của quốc gia - mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chương trình KH&CN Net Zero sẽ là nền tảng, là cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ cacbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, mặc dù mục tiêu của Chương trình là khá rộng, cũng như việc yêu cầu cần phải tìm ra các giải pháp công nghệ mới, công nghệ xanh là thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học. “Tôi tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, chúng ta sẽ biến những thách thức thành cơ hội, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo, tìm ra được các kết quả, giải pháp khoa học, công nghệ thiết thực để sớm hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam” – Bộ trưởng Bộ KH&CN tin tưởng.

Tạo lập một môi trường thuận lợi cho nghiên cứu công nghệ xanh

Tại Hội thảo, trên cơ sở phân tích các đặc thù về kinh tế - xã hội, thuận lợi, các khó khăn, thách thức của vùng Đông Nam Bộ trong quá trình thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng xanh, bền vững, các chuyên gia đã trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp và đề xuất các định hướng, giải pháp về khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu Net Zero cho Vùng Đông Nam Bộ nói chung và của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong vùng nói riêng.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Từ thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhận định, phát triển xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.

Nhằm triển khai thực hiện thành công cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp các địa phương, các tổ chức và các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, trong bối cảnh một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng hàng rào carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam.

Trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt Net Zero; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn về kiểm kê khí nhà kính gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh; triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng “Thành phố không carbon”, “Kinh tế tuần hoàn” và khả năng phát triển dự án áp dụng cơ chế tín chỉ chung...

Đồng thời, tỉnh đang triển khai đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; qua đó, định hướng đưa Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực.

Nhờ những nỗ lực này, năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa - Vũng Tàu, xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Bộ.

Chương trình KH&CN Net Zero được kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện Việt Nam để giảm đáng kể lượng phát thải của Việt Nam, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Với vai trò là cơ quan đầu mối trong quản lý nhà nước về KH&CN, Bộ KH&CN đã chủ động hành động và tham mưu cho Chính phủ nhằm tạo lập một môi trường thuận lợi, điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. Những nỗ lực này không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu Net Zero của Việt Nam mà còn hướng tới xây dựng một nền tảng KH&CN bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, người dân và xã hội, đồng thời đóng góp giá trị ý nghĩa vào kho tàng tri thức của nhân loại.