Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý bàn thảo, đưa ra những giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Hội thảo cũng sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức về vai trò của năng lượng tái tạo, tìm kiếm biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đồng thời đối mặt với các thách thức lớn về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cần giảm 32,6%, tương đương với tổng lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương.
Tuy nhiên, Việt Nam cần đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030 và tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, việc chuyển đổi năng lượng cũng nhằm tạo ra sự tiết kiệm tiêu dùng tích lũy, với mục tiêu đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng và giảm 34 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2030.
Phát biểu tại buổi hội thảo, TS Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT cho biết, việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như: điện mặt trời trên mái nhà, điện gió, và năng lượng sinh khối.
“Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của người dân về tiết kiệm năng lượng, sống thân thiện với môi trường bằng việc sử dụng thiết bị sử dụng ít năng lượng” – TS Đào Xuân Hưng nhấn mạnh.
Theo Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, vai trò quan trọng của cơ quan báo chí trong việc truyền thông các chính sách phát triển năng lượng, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia năng lượng và doanh nghiệp còn tập trung thảo luận và đưa ra những giải pháp cụ thể cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Na như bối cảnh toàn cầu, cam kết với quốc tế của Việt Nam về triển khai năng lượng xanh; cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng xanh; thách thức trong lưu trữ và phân phối năng lượng xanh và năng lượng tái tạo; ứng dựng khoa học, công nghệ để thu hồi và phát triển năng lượng xanh.