Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thúc đẩy đô thị hoá: cần sự chung tay giữa chính quyền và doanh nghiệp

Kinhtedothi-Đô thị hóa là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, khi pháp luật thay đổi mà thiếu cơ chế chuyển tiếp phù hợp, doanh nghiệp dễ rơi vào thế khó. Từ kinh nghiệm tháo gỡ của Đà Nẵng đến vướng mắc tại Quảng Ngãi cho thấy: muốn đô thị hóa bền vững, cần sự chung tay giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Đà Nẵng chủ động tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển đô thị

Ngày 16/4/2025, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn số 2194/UBND-STC, chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị mới.

Theo đó, Sở Xây dựng được giao phối hợp với các đơn vị liên quan và nhà đầu tư kiểm tra, rà soát vị trí các khu đất dự kiến kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở theo các đồ án phân khu đã được phê duyệt. Danh mục các dự án khu đô thị có xây dựng nhà ở dự kiến kêu gọi đầu tư sẽ được tổng hợp và tham mưu UBND thành phố bổ sung vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là cơ sở để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi tổ chức đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định.

UBND các quận, huyện căn cứ danh mục do Sở Xây dựng đề xuất, tham mưu UBND thành phố bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm và đề xuất vào danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất. Sở Tài chính được giao tổng hợp danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn thành phố, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai năm 2024.

Quảng Ngãi: vướng mắc trong chuyển tiếp luật, doanh nghiệp mong có sự đồng hành từ chính quyền

Dự án Khu đô thị An Trường tại Quảng Ngãi.

Trái ngược với sự chủ động của Đà Nẵng, tại Quảng Ngãi, nhiều doanh nghiệp đang gặp không ít lúng túng kể từ khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Một số địa phương hiểu rằng các dự án có sử dụng đất - kể cả với quy mô nhỏ dưới 20 ha - đều thuộc diện phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nên đã tạm dừng hoặc không tiếp tục xem xét cấp chủ trương đầu tư cho các trường hợp này.

Trên phương diện pháp lý, việc tổ chức đấu thầu đối với dự án sử dụng đất là phù hợp với quy định tại Điều 126 Luật Đất đai năm 2024. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách toàn diện rằng, Luật Đất đai năm 2024 không có quy định nào cấm cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án dưới 20 ha. Điều luật chỉ yêu cầu phải tuân thủ trình tự, thủ tục pháp lý tương ứng - trong đó có đấu thầu nếu sử dụng đất do Nhà nước quản lý và thuộc diện thu hồi.

Vì vậy, việc viện dẫn yếu tố “dưới 20 ha” như một lý do để không cấp chủ trương đầu tư là chưa thật sự thuyết phục về mặt pháp lý, và nếu đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đã triển khai thủ tục từ nhiều năm trước, thì điều này khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế khó xử.

Một điển hình là dự án Khu đô thị An Trường tại thị xã Đức Phổ. Dự án được một doanh nghiệp đề xuất từ năm 2019 - thời điểm Đức Phổ còn là huyện. Theo lời kêu gọi xúc tiến đầu tư của chính quyền địa phương lúc đó, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, thực hiện quy hoạch, thẩm định môi trường… và đến nay gần như đã hoàn tất toàn bộ các thủ tục cần thiết theo quy định cũ.

Tuy nhiên, sự chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới lại đang trở thành “nút thắt” khiến dự án phải tạm ngưng, chưa thể tiếp tục hoàn thiện thủ tục xin chủ trương đầu tư. Điều đáng nói là, theo Điều 255 của Luật Đất đai năm 2024, những hồ sơ đang trong quá trình giải quyết trước thời điểm luật có hiệu lực vẫn được tiếp tục xem xét theo hướng dẫn cụ thể. Tức là, luật không khép lại cánh cửa pháp lý, mà vấn đề là làm sao để mở ra lối đi phù hợp.

Dự án Khu đô thị An Trường là một trường hợp phản ánh rõ nét tình trạng “chuyển giao dở dang”, khi doanh nghiệp đã kỳ vọng phát triển cùng địa phương trong hơn 5 năm qua, nhưng nay lại phải tự xoay sở giữa một hành lang pháp lý còn nhiều khoảng trống hướng dẫn.

Theo đó, việc áp dụng luật không nên theo hướng phủ định toàn bộ nỗ lực trước đó. Những dự án đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định cũ cần được xem xét tiếp nối theo tinh thần khuyến khích đầu tư, ổn định chính sách và minh bạch thủ tục. Trong giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp không thể tự mình gỡ khó, mà rất cần sự đồng hành từ chính quyền địa phương - vì uy tín đầu tư và môi trường phát triển chung.

Việc Đà Nẵng chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch và đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án khu đô thị mới là một bước đi tích cực, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt trong điều hành. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển đồng bộ trên toàn khu vực miền Trung, cần thiết có một chính sách pháp lý phù hợp, chuyển tiếp rõ ràng và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn pháp lý giao thời.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Giá kim loại đồng ngày 17/4: tăng nhẹ

Giá kim loại đồng ngày 17/4: tăng nhẹ

17 Apr, 06:45 AM

Kinhtedothi - Giá đồng tăng nhẹ khi tăng trưởng kinh tế mạnh hơn của Trung Quốc và đồng USD yếu hơn bù đắp cho cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại về sự suy giảm nhu cầu.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ