Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiểu được nhu cầu phát triển và những khó khăn của các startup, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, góp phần hỗ trợ DN phát triển để họ không rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn”.

Các bạn trẻ làm việc tại Vườn ươm khởi nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phương Nga
Thiếu kỹ năng quản trị
Hà Nội cũng là một trong những địa phương có phong trào khởi nghiệp dẫn đầu cả nước. Số DN thành lập mới giai đoạn 2016 - 2019 đạt kỷ lục với hơn 88.000 DN thành lập mới. Nâng tổng số DN của Hà Nội lên hơn 272.000 DN. Tuy nhiên, số DN khởi nghiệp thành công và DN khởi nghiệp sáng tạo, gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất ít (khoảng 0,1% trong tổng số các DN khởi nghiệp).
Với khát vọng vươn lên bằng sự sáng tạo, tăng cường hội nhập Quốc tế, tháng 7 vừa qua Hà Nội đã hoàn thành nộp hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô phát triển toàn diện.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội) Lê Văn Quân cho rằng, nguyên nhân khiến các startup thất bại xuất phát từ nhiều phía cả chủ quan và khách quan. Về chủ quan, hiện nay nhà sáng lập của các công ty startup, đặc biệt là các startup công nghệ thường xuất thân là dân kỹ thuật. Những người này học về công nghệ, học về cách xây dựng sản phẩm mà thường thiếu kiến thức cũng như kỹ năng quản trị DN và tài chính cơ bản. Đây là một lỗ hổng cực lớn dẫn đến tình trạng nhiều startup “chết yểu”. Hay nguồn vốn hạn chế để đi đường dài cũng là một nguyên nhân khiến các startup phải dừng cuộc đua sớm.
Liên hệ từ thực tế, Tổng Giám đốc Công ty CP Nội Thất AIC Nguyễn Huy Hiệp cho biết: “Tuy công ty đã thành lập được hơn 5 năm nhưng việc vay vốn vẫn rất khó khăn. Đi đến đâu tôi cũng nhận được câu hỏi có tài sản thế chấp không? Do không có vốn nên công ty đang phải hoạt động cầm chừng, bỏ qua nhiều dự án lớn”.
Xét về nguyên nhân khách quan thì chính sách hỗ trợ DN chưa được thực hiện đồng bộ; thủ tục hành chính rườm rà, nhiều bất cập; việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra, hỗ trợ thành lập mới DN... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí cũng là nguyên nhân làm khó các startup.
Anh Lê Huy Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Happy Mart Việt Nam nhận xét: “Thủ tục để đăng ký kinh doanh quá rườm rà, có thể kể đến như việc xin thi lấy giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên, hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và công bố chất lượng… Tất cả đều tốn thời gian và chi phí, gây khó khăn cho DN”.

Giải pháp đột phá
Hiểu được nhu cầu phát triển và những khó khăn của các startup, TP Hà Nội đã tích cực đưa ra những giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ DN như cải thiện chính sách kinh tế, lập quỹ hỗ trợ đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư từ nước ngoài, ưu đãi thuế, tối ưu hóa thủ tục kinh doanh…
Cùng với đó, ban hành hàng loạt các Đề án hỗ trợ, nhằm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xứng tầm và mang bản sắc của Thủ đô. Có thể kể đến như Đề án “Vườn ươm DN Công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội”; Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020”.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội có 14.000 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là kết quả sau nhiều giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp của TP. Thủ tục hành chính đã được cởi mở hơn.
Cụ thể, DN chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký thành lập DN qua mạng, sau 3 ngày đã có thể nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu không thể đến tận nơi lấy, cơ quan đăng ký sẽ chuyển thẳng về cho DN mà không phải trả khoản phí nào. Mỗi năm, Hà Nội đã chi trên 16 tỷ đồng để hỗ trợ cho các DN mới thành lập, từ việc hỗ trợ miễn phí công bố thông tin đến việc tăng các chi phí làm con dấu.
Gần đây nhất, TP đã thông qua Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án. Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển mạng lưới hỗ trợ startups của TP để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.
Teo kế hoạch, TP sẽ hỗ trợ thêm từ 3 - 5 vườn ươm DN hoặc không gian khởi nghiệp chung để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó hỗ trợ 150 DN thương mại hóa sản phẩm với ít nhất là 2% DN gọi vốn, tổng giá trị mua bán, sáp nhập ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết đã ban hành kèm theo 5 nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ hết sức thiết thực. Trong các nhóm hỗ trợ tại Nghị quyết 05, TP đưa ra 2 mức hỗ trợ 50% kinh phí và 100% kinh phí. Mức hỗ trợ 50% cho các thành phần khác của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ 100% kinh phí cho các nội dung sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, song song với sự hỗ trợ từ TP, nhà sáng lập cần lên chiến lược phát triển rõ ràng, cân đối tài chính hợp lý, tuyển dụng nhân sự chất lượng và quan trọng nhất là không ngừng tự trau dồi học tập các kiến thức, kỹ năng quản trị DN để đưa startup của mình ngày một vươn tầm trong thời đại hội nhập..
Khơi dậy và phát huy tinh thần startup
Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (Sở KH&ĐT Hà Nội) Lê Văn Quân, với các hoạt động mạnh mẽ, cùng những thương vụ triệu USD tại Hà Nội, TP hiện đang chứng tỏ là một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động, tích cực nhất nhì trong cả nước. Những startup nổi tiếng nhất của Việt Nam như Vinagame (công ty kỳ lân đầu tiên ở Việt Nam); Topica (edtech startup lớn nhất ở Việt Nam); Abivin (startup quán quân toàn cầu 2018) đều hình thành và phát triển từ Hà Nội.
Số lượng vườn ươm nhiều nhất trong toàn quốc (thống kê sơ bộ là 15 vườn ươm/40 trong cả nước). Nhiều cuộc thi khởi nghiệp nhất trong toàn quốc. Hà Nội cũng đồng thời là địa điểm để triển khai các chương trình quốc gia như Đề án 844 của MOST, đề án 1665 của MOET, MOLISA.
Hà Nội đang xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp cho cộng đồng DN, góp phần phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển và xây dựng Thủ đô trở thành đô thị hiện đại, xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực.
Một minh chứng cho nỗ lực vì các startup phát triển bền vững, Hà Nội tiên phong triển khai Chương trình đào tạo kiến thức giám đốc điều hành DN (CEO) chất lượng cao, với mức hỗ trợ từ Ngân sách TP là 65%. Chương trình được triển khai thí điểm từ năm 2011. Được sự hưởng ứng và đánh giá cao từ cộng đồng DN trên địa bàn, TP đã nhân rộng cho cả giai đoạn 2011 - 2015 (100 học viên/năm) và giai đoạn 2016 - 2020 (250 học viên/năm).
"Điều này cho thấy sự quan tâm của TP trong việc hỗ trợ, xây dựng một đội ngũ các CEO trên địa bàn TP trong thời kỳ nước ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ của công nghệ số và tự động hóa” - ông Lê Văn Quân nói. Đồng thời nhấn mạnh, đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhận định, trong những năm qua, cộng đồng DN Thủ đô cũng liên tục lớn mạnh. “Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm startup của cả nước. Chính quyền TP đặt trọng tâm nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần startup, startup sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP giai đoạn 2018 - 2020” - Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ.
Khắc Kiên