Chính vì thế cần tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường là ý kiến được nhiều đại biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Công Thương (11/1) đề cập tới.
Nhiều thách thức
Nhìn lại cơ cấu và nguồn hàng cho thấy, mặc dù kim ngạch XK đã tăng trưởng nhưng hầu hết các mặt hàng XK có kim ngạch lớn đều là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động giá rẻ và gia công hơn những mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao. Thị trường XK chưa có chuyển biến tích cực, vẫn chủ yếu là những thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… Tỷ trọng XK sang các thị trường mới như châu Phi, Tây Á, Nam Á… rất thấp, trong khi nhu cầu hàng hóa tại các thị trường này khá lớn…
Sản xuất mỳ ăn liền Hapro phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Hoài Nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Bên cạnh đó, hiện các DN sản xuất hàng xuất khẩu vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nhất là nguyên liệu gia công sản xuất của các ngành dệt may, giầy dép, linh kiện điện tử. "Điều đó thể hiện tính gia công còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài. Và trước những tác động bất lợi của một số thị trường, đặc biệt là những biến động làm giá nguyên liệu đầu vào tăng, hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước gặp bất lợi, làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh", ông Tú nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Tú, bên cạnh yêu cầu từng lĩnh vực phải cơ cấu lại ngành hàng, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, DN có thể tận dụng những lợi thế từ hiệp định FTA để thâm nhập thị trường, tăng giá trị các mặt hàng XK… Chính vì thế, mặc dù được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2013 ngành Công Thương đề ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 126,1 tỷ USD, tăng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK ở mức 8%; chỉ số giá tiêu dùng ở mức 8%;…
Cơ hội đến từ FTA
Đến nay, Việt Nam đã ký kết được 8 hiệp định FTA như: Asian, Asian+, Việt Nam - Chi Lê, Việt Nam - Nhật Bản... góp phẩn đẩy mạnh kim ngạch XK hàng hóa Việt Nam vào các thị trường các nước này. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào những khu vực kể trên chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012.
Ông Phạm Văn Chinh- Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: Trong thời gian qua các DN tham gia lĩnh vực XK đã sử dụng tốt việc sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ và ưu đãi về thuế trong FTA. Điều này tạo điều kiện cho các DN nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa Việt Nam so với các nước ngoài FTA khi thâm nhập thị trường. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sử dụng các xuất xứ ưu đãi của Việt Nam đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2011, chiếm 33,6% trên tổng kim ngach xuất khẩu các thị trường không có FTA. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2012, riêng kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN tăng 27%, Nhật Bản 39%, Hàn Quốc tăng 18%, nhờ tận dụng tốt về ưu đãi thuế trong các FTA.
Chính vì thế, năm 2013 này, những lợi thế về FTA cũng sẽ tiếp tục được phát huy để DN có cơ hội mở rộng thị trường và tăng kim ngạch XK. "Bộ Công Thương đã xây dựng đề án về xuất xứ ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng cấp C/O điện tử. Nâng cấp hệ thống xuất xứ điện tử và phối hợp triển khai cùng một số nước lớn trong khu vực", Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK. "Thời gian tới sẽ còn nhiều FTA được ký kết nên cần tận dụng tốt để đẩy mạnh xuất khẩu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tế trong hoạt động XK cũng cho thấy, các DN Việt Nam chưa thực sự quan tâm tới chương trình ưu đãi về thuế quan nên khả năng tận dụng của Việt Nam ưu đãi về thuế quan trong FTA so với các nước vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN để đáp ứng các tiêu chí giấy chứng nhận xuất xứ còn chậm, chưa đáp ứng được các yêu cầu hiện nay. Điều này làm hạn chế không nhỏ đến kết quả trong hoạt động XK thời gian qua.
4 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương năm 2013 Trước những dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm ngành Công thương cần thực hiện trong năm 2013. Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, nợ đọng, tiếp cận tính dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Thứ hai, nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu, đồng thời chuyên nghiệp hóa công tác chống chuyển giá, chống bán phá giá... Thứ ba, đẩy nhanh công tác tái cơ cấu, xác định đâu là lĩnh vực công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh để làm "xương sống", từ đó có đề xuất ưu đãi cụ thể. Thứ tư, tham mưu, xây dựng chính sách bảo đảm công khai, minh bạch giá các mặt hàng như giá điện, giá xăng dầu… Sớm hoàn thành, tiến tới thực hiện giá thị trường với những mặt hàng này. |