Từ khi triển khai Khu phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Ban quản lý Khu phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và những tiềm năng, thế mạnh về ẩm thực của địa phương, nổi bật là Phiên chợ Tết Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Lễ hội ẩm thực mùa xuân, cuộc thi ẩm thực giữa các nhà hàng nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, các hoạt động giúp du khách trải nghiệm làm món ăn, thức uống, các hoạt động quảng bá, tôn vinh tinh hoa ẩm thực Việt Nam.
Để tăng sự hấp dẫn cho tuyến phố ẩm thực này, các hoạt động nghệ thuật đường phố cũng được tổ chức thường xuyên trong năm như: Âm nhạc, triển lãm nhiếp ảnh, điêu khắc; các hoạt động xã hội góp phần xây dựng ý thức cộng đồng như: Chương trình “Áo ấm tặng bạn”; chương trình “Đổi giấy lấy cây”; chương trình tặng quà Tết cho bệnh nhân nghèo của các nhà hàng trong Khu phố.
Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, thành công của Khu phố ẩm thực đêm được thể hiện qua việc nhiều hộ kinh doanh đã phát triển mới tại khu vực triển khai đề án, tăng thu ngân sách từ các hộ kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại Khu phố ẩm thực đêm và khu vực lân cận lên hơn 150% so với trước khi thực hiện đề án.
Theo lãnh đạo phường Trúc Bạch, chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động nhằm định hướng và hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhiều sản phẩm du lịch tại Khu phố ẩm thực đêm và kết nối Khu phố với các địa điểm du lịch khác của Thủ đô Hà Nội như: Mô hình “Không gian sáng tạo, văn hóa, ẩm thực Tuyến tàu điện số 6” với hệ thống các “bảo tàng mini” về ẩm thực để giới thiệu, quảng bá các món ăn, thức uống đặc sắc của Việt Nam, giúp du khách trong và ngoài nước tìm hiểu chuyên sâu về nguyên liệu, quy trình, dụng cụ chế biến, nguồn gốc và quá trình phát triển của ẩm thực Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Dân Huy, để Đề án phát triển kinh tế du lịch phát huy hiệu quả, cần có sự đầu tư về “chất” cho các sản phẩm du lịch và các sản phẩm đó phải tạo thành một hệ sinh thái du lịch đầy đủ từ: Lưu trú, vui chơi, khám phá cảnh quan, trải nghiệm đời sống địa phương, tìm hiểu lịch sử - văn hóa cho đến ẩm thực và mua sắm... Điển hình như dự án “Line 6” đang trong giai đoạn nước rút sẽ góp phần bổ sung các sản phẩm du lịch, giúp du khách có những trải nghiệm mới khi về với Thủ đô Hà Nội và quận Ba Đình.
“Chúng tôi dựa trên lịch sử văn hoá lâu đời của địa phương như các di tích Đình, Đền, Chùa, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, cảnh quan tươi đẹp của hồ Trúc Bạch, thế mạnh về ẩm thực của địa phương và kết hợp thêm nhiều chất liệu lịch sử Hà Nội như các tuyến tàu điện, 36 phố phường… lấy đó làm linh hồn để kết nối qua hơn 10 toa xe điện, tạo nên những chuyến tàu chuyên chở di sản. Chúng tôi gọi các toa xe này là những “bảo tàng mini” về ẩm thực, ông Nguyễn Dân Huy chia sẻ về dự án Line 6. Đây sẽ là những “bảo tàng mở”, “bảo tàng sống” và được chính những người dân địa phương, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, cộng đồng những người yêu thích ẩm thực và du khách cùng nhau xây dựng, góp công, góp sức để xây dựng và phát triển những “bảo tàng” này.
Mô hình cũng là nơi để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, trưng bày, triển lãm về ẩm thực, là nơi giao lưu giữa du khách với các đầu bếp, nghệ nhân, chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, vừa giúp du khách có những trải nghiệm độc đáo, vừa có những hướng tiếp cận mới, đa dạng trong quá trình tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực Việt Nam.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng vận động, hướng dẫn các hộ kinh doanh kết nối với các đơn vị lữ hành, đưa Khu phố ẩm thực đêm vào trong các tour du lịch. Nổi bật là tour xe đạp “Đêm Thăng Long – Hà Nội” đã kết nối Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã với các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như Cột cờ Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long, Quảng trường Ba Đình, Bảo tàng lịch sử quốc gia…
Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển hiệu quả Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã đã góp phần hoàn chỉnh hệ sinh thái du lịch tại khu vực hồ Trúc Bạch, hồ Tây với các di tích nổi tiếng như Đền Quán Thánh, Chùa Trấn Quốc, đền Thủy Trung Tiên.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương khác và một số mô hình du lịch của các nước, UBND phường Trúc Bạch đã đề xuất với UBND quận Ba Đình xây dựng Đề án phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP và Đề án phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn phường, nhằm tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Xây dựng “Không gian bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực Việt Nam” là một trong những chiến lược đang được phường Trúc Bạch chuẩn bị kỹ lưỡng, nhằm hướng tới mục tiêu chính là kích cầu kinh tế du lịch khu vực quần thể hồ Trúc Bạch và cũng là một trong những cơ hội lớn của địa phương, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.