Nét mới vùng quêTại làng Tân Phong, xã Phong Vân, cụ Đào Thị Luân, năm nay 82 tuổi cho biết, Nhân dân Phong Vân không ngờ rằng quê hương mình đổi thay nhanh đến thế. Từ ngày thôn Tân Phong thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng NTM đến nay, người dân vô cùng phấn khởi vì đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, thông thoáng đi lại dễ dàng, đêm về điện sáng quanh làng. Trước đây, chưa dồn điền đổi thửa, mỗi gia đình có cả chục mảnh ruộng muốn thuê máy cày cũng khó. Nay dồn đổi ruộng, mỗi gia đình chỉ còn 1 - 2 thửa nên thuận tiện hơn, bà con ai cũng mừng. “Mừng nhất là từ nay con cháu sẽ được sung sướng không phải vất vả như chúng tôi ngày xưa” - cụ Luân hồ hởi.
Chủ tịch UBND xã Phong Vân Nguyễn Huy Hoàng tâm sự, xây dựng NTM là một việc khó, nhất là công tác dồn điền đổi thửa. Nhưng khi hoàn thành các tiêu chí của NTM sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người dân. Như ở Phong Vân, dồn điền đổi thửa xong, địa phương đã để ra được hàng chục héc ta đất để quy hoạch các công trình phúc lợi như trường học, nhà văn hóa… Hiện nay, nhà máy nước sạch tại địa phương đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động đã đem lại nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân địa phương và các xã lân cận.Chung tay vì mục tiêu nông thôn mớiLãnh đạo các địa phương đã cán đích NTM của Ba Vì đều cho rằng, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, TP đã đầu tư cho huyện hàng ngàn tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, nhất là các xã miền núi, các xã còn nhiều khó khăn. Do làm tốt công tác tuyên truyền, người dân ở các xã xây dựng NTM đã nhận thức rõ ràng không chỉ trông chờ vào Nhà nước, mà sẵn sàng hiến đất của gia đình để xây dựng các công trình công cộng. Chủ tịch UBND xã Sơn Đà Nguyễn Quang Thắng chia sẻ, trong phong trào hiến đất làm thủy lợi nội đồng, Nhân dân địa phương đã hiến 21.200m2 và gần 1.400m2 đất thổ cư làm giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, người dân đã tự phá dỡ hàng ngàn mét vuông tường rào, chặt hàng trăm cây ăn quả trị giá hàng chục tỷ đồng và ủng hộ trên 7.000 ngày công lao động để mở rộng đường thôn, xóm.Ba Vì là huyện miền núi của Thủ đô có số lượng xã lớn nhất thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với 30 xã. Khi bắt tay xây dựng NTM, Ba Vì là huyện có các tiêu chí thấp so với các huyện ven đô. Song, với sự quyết tâm cao, sau 5 năm triển khai thực hiện, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của TP, sự quyết liệt của huyện cùng với sự cố gắng của các ngành chuyên môn và UBND các xã, sự đồng thuận của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân các dân tộc đến nay đã đem lại kết quả khá rõ nét. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,83%/năm, hộ khá và giàu mỗi năm đều tăng lên, tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh là 99,23%. Bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới, kinh tế phát triển vững mạnh, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững ổn định.Đây là nền tảng để Ba Vì thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì lần thứ XX đã đề ra.