Vì sao thịt bò chưa phổ biến?
Hơn 4 tháng khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Hà Nội, tiêu dùng thực phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Vân (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) gần như không thay đổi. Chị Vân vẫn giữ thói quen sử dụng thịt lợn, trong khi trung bình một tuần, gia đình chỉ ăn thịt bò 1 - 2 lần. Không chỉ gia đình chị Vân, nhiều bà nội trợ khi được hỏi cho biết, thịt bò vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày. Nguyên nhân là bởi thói quen sử dụng thịt lợn ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, giá thành thịt bò hiện cũng cao hơn thịt lợn đến 2 – 3 lần.
Xét trên bình diện cả nước, thịt lợn vẫn chiếm đến 70% “rổ thực phẩm”, trong khi thịt gà chiếm tỷ lệ 20% thì thịt bò mới dừng ở mức 6%. Tại thị trường Hà Nội, sản lượng thịt bò được người tiêu dùng Thủ đô lựa chọn chỉ bằng 1/8 so với thịt lợn. Bên cạnh thói quen tiêu dùng, thực tế hiện nay, trung bình mỗi năm Hà Nội mới sản xuất được khoảng 5.350 tấn thịt bò, đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu; 80% khối lượng thịt bò còn lại phải nhập khẩu. Việc không tự chủ được nguồn cung khiến giá thành thịt bò cao gấp nhiều lần thịt lợn. Đây là một trong những lý do hạn chế khả năng tiếp cận của người dân đối với thịt bò.Thay thế dần thịt lợnĐể đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, Hà Nội đã tính đến phương án cấp đông thịt lợn. Tuy nhiên, với tổng đàn lợn hiện chỉ còn khoảng 1,4 triệu con, nếu đem cấp đông toàn bộ thì cũng chỉ đủ để đáp ứng cho người tiêu dùng Thủ đô trong vòng… 6 tháng. Chính vì vậy, việc phát triển đàn gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò thịt, sẽ là giải pháp đáp ứng nhu cầu thực phẩm về lâu dài. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có khoảng 135.000 con bò. Với 15.000ha đất đồi gò, 125.00ha đất bãi phù sa ven sông, Hà Nội cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển loài gia súc này. Thực tế những năm qua, TP đã quy hoạch được 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm. Một số xã chăn nuôi bò với số lượng trên 2.000 con như Minh Châu (huyện Ba Vì), Minh Trí (huyện Sóc Sơn), Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ)… Từ năm 2016 đến nay, TP đã “rót” 800 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ dân vay phát triển đàn bò. Đến nay, đàn bò BBB của Hà Nội đã đạt 140.000 con, đàn bò lai giống Kobe (Nhật Bản) trên 4.000 con. Bên cạnh đó, TP cũng đã tổ chức thành công liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm bò Wagyu tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, định hướng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ của TP là tập trung phát triển đàn bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng cao và đa dạng sản phẩm; phấn đấu đáp ứng được 40 – 45% nhu cầu thịt bò cho người dân Thủ đô vào năm 2025. Cũng theo ông Đăng, khi nguồn cung thịt bò dồi dào, giá thành sẽ giảm. Khi đó, người tiêu dùng Thủ đô sẽ có điều kiện tốt hơn để tiếp cận sử dụng thịt bò, thay thế dần thịt lợn, giúp giảm áp lực về thị trường thực phẩm trong giai đoạn tới.
Thời gian tới, sản lượng tiêu thụ thịt bò có thể tăng lên đến 1 triệu tấn. Hà Nội có triển vọng rất lớn để trở thành hạt nhân trong chăn nuôi đàn bò của khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Do đó, TP cần tập trung đầu tư, ưu tiên phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, tiến tới hình thành ngành kinh tế về chăn nuôi bò. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |