Thúc đẩy quan hệ thương mại với khu vực Nam Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong vài ngày qua, các hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam với Ấn Độ và Sri Lanka cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ thương mại với Nam Á - một trong những khu vực kinh tế sôi động nhất thế giới hiện nay.

Ngày 18/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đoàn các học giả, chuyên gia thuộc Hội đồng nghiên cứu các vấn đề thế giới của Ấn Độ, do ông Rạjiv K. Bathia, Thứ trưởng - Giám đốc Hội đồng làm trưởng đoàn sang Việt Nam dự Hội thảo "Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ: Những định hướng tương lai". Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ. Theo Chủ tịch nước, tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước còn rất lớn nên hai bên cần tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. Phát biểu tại buổi tiếp,  Thứ trưởng Rạjiv K. Bathia khẳng định, thành công của Hội thảo cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước đối với tương lai của mối quan hệ. Các diễn giả đã thống nhất về nhiều nội dung, đặc biệt là tìm ra phương hướng hợp tác về các lĩnh vực kinh tế - thương mại, công nghệ cao và công nghệ thông tin.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Gamini Lakshman Peiris đang thăm chính thức Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ hai nước nỗ lực triển khai hiện thực hóa các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất; hai bên đẩy mạnh hợp tác cả về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân... phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD. Bộ trưởng Peiris cho biết, Sri Lanka đặc biệt mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thăm dò, khai thác dầu khí, nông nghiệp, du lịch....

Bộ trưởng Peiris khẳng định, với tư cách là một trong những thành viên sáng lập Công ước Luật biển, Sri Lanka ủng hộ các nguyên tắc về bảo đảm an ninh và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông phải bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp quốc; đồng thời ủng hộ các nước trong khu vực thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng nhau tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần