Với chủ đề “Tiêu dùng xanh – Cùng sống lành”, Triển lãm với sự tham gia của 30 gian hàng của hơn 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước. Dự kiến, sự kiện sẽ thu hút khoảng 25.000 lượt tham quan.
Tại sự kiện, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, vấn đề phát triển bền vững, trong đó, cụ thể là sản xuất và tiêu dùng bền vững luôn được Việt Nam quan tâm, duy trì và thúc đẩy phát triển.
Triển lãm trưng bày, giới thiệu các mô hình thực tiễn về sản xuất bền vững; chia sẻ, hướng dẫn thực hành tiêu dùng bền vững, đồng thời tổ chức các phiên trao đổi, thảo luận mở, có sự tham gia của các nhân vật truyền cảm hứng để nâng cao nhận thức và tăng cường hành động của toàn thể xã hội đối với hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tăng cường kết nối kinh doanh, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm thực tiễn các sản phẩm bền vững và các cơ quan quản lý, các tổ chức, hiệp hội có sự trao đổi, chia sẻ và đề xuất các sáng kiến, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch hiện có mức tăng trưởng chỉ khoảng 4%/năm.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, Chương trình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, Hà Nội tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Bà Trần Thị Phương Lan đã phát động và kêu gọi cộng đồng xã hội, người tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô hưởng ứng, cùng lan tỏa những hành động thiết thực để đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng xanh.