Sự kiện do Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại Sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hội thảo có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu về Chương trình thỏa thuận tự nguyện nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Các kết quả đạt được sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng, tuân thủ quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện có nhiều thách thức đặt ra cho phát triển ngành năng lượng của Việt Nam như: Tiêu thụ năng lượng có tốc độ cao so với khu vực và trên thế giới, các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước đã cạn kiệt, nguồn năng lượng trong nước không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao.
Trong giai đoạn từ 2021 - 2025, vấn đề đảm bảo cung cấp điện được dự báo có nhiều khó khăn; đồng thời trong dài hạn, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu ròng về than, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng. Bối cảnh này tác động Chính phủ phải ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn góp phần giảm thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
"Để góp phần thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đề ra, Hội thảo nhằm xây dựng, đề xuất, thiết kế chương trình thỏa thuận tự nguyện (VAS) nhằm thúc đẩy chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp. Chương trình dự kiến thí điểm trong giai đoạn 2023 - 2025 với một số cơ chế khuyến khích hoạt động tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam như: Hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng; thực hiện báo cáo, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng hồ sơ tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng…" - ông Trịnh Quốc Vũ nói.
Nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của cơ chế thỏa thuận tự nguyện, Cố vấn về năng lượng Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (giai đoạn 2020 – 2025) Jorgen Hvid cho rằng, cơ chế sẽ là đòn bẩy hiệu quả giúp giảm thiểu áp lực của các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trong giai đoạn hiện nay với nhiều thách thức đặt ra trước mắt: Giá năng lượng tăng cao, thị trường quốc tế yêu cầu cắt giảm lượng khí thải carbon, quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Chưa dừng lại ở đó, tham gia cơ chế sẽ giúp tháo gỡ một số thách thức, cản trở các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả năng lượng trong công nghiệp như: thiếu nhận thức và kiến thức trong các ngành công nghiệp, thiếu chuyên gia về công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ, thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho dự án, cạnh tranh về nguồn lực với các mục tiêu ưu tiên khác.
"Tham gia Chương trình thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp lựa chọn được phương án tối ưu nhất trong quá trình triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện của doanh nghiệp" - ông Jorgen Hvid chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, trong quá trình tham gia còn mở ra một số lợi ích cho doanh nghiệp như: tiếp cận các dự án vay vốn cho đầu tư vào hiệu quả năng lượng, tham vấn các chuyên gia trong việc xây dựng kế hoạch cải thiện hiệu quả năng lượng…
Sau phần chia sẻ của đại diện các đơn vị, hội thảo được tiếp tục với hai nội dung Thiết kế Chương trình Thỏa thuận tự nguyện (VAS) và Dự thảo kế hoạch thực hiện VAS. Trong đó, nội dung Thiết kế Chương trình Thỏa thuận tự nguyện VAS giới thiệu tới các doanh nghiệp về mục tiêu của chương trình, yêu cầu đối với doanh nghiệp tham gia, ưu đãi dành cho doanh nghiệp tham gia, lợi ích ở cấp tỉnh và cấp ngành từ việc tăng cường hiệu quả năng lượng thông qua cơ chế khuyến khích. Còn Dự thảo kế hoạch thực hiện VAS tập trung vào việc giới thiệu các bên liên quan chính và vai trò trong việc thực hiện; tổ chức, quy trình thực hiện và kế hoạch triển khai.
Đại diện doanh nghiệp, Sở Công Thương các tỉnh đã có phần trao đổi với các chuyên gia của VAS, đại diện Bộ Công Thương trong việc tham gia Chương trình; chia sẻ của đại diện một số ngân hàng trong việc hỗ trợ vay vốn, tiếp cận nguồn tài chính cho dự án hiệu quả năng lượng.