Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng đánh giá: Công tác bình đẳng giới trong tổ chức công đoàn còn không ít tồn tại, hạn chế. Trước tiên là công tác cán bộ nữ dù được quan tâm song tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo Đảng, chính quyền còn thấp chưa tương xứng với sự phát triển chất lượng và số lượng của CNVCLĐ. Một bộ phận nữ CNVCLĐ còn biểu hiện tự ti, an phận, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, thiếu tự tin khi được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ CNLĐ trực tiếp sản xuất được khen thưởng chưa tương xứng với tỷ lệ lao động nữ, chưa có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên cho đối tượng này.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Trần Thanh Hải phát biểu tại hội thảo.
|
Trong khi đó, “các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về chế độ chính sách đối với người lao động về công tác dân số, gia đình, trẻ em, về bình đẳng giới dù luôn huy động cả nam và nữ tham gia không phân biệt về đối tượng được tuyên truyền, song khi tuyên truyền thì đa số là nữ tham dự. Hơn nữa, vai trò của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong việc tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ chưa hiệu quả và chưa rõ nét”, bà Hồng nhấn mạnh.
Theo các đại biểu tại Hội thảo, Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, 100% cán bộ chủ chốt công đoàn, cán bộ nữ công đoàn cấp trên cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn về giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn. Điều đó một lần nữa khẳng định quyết tâm của các cấp công đoàn trong việc hướng tới bình đẳng giới trong mọi hoạt động.
Để đạt được mục tiêu này, nhiều ý kiến chung nhận định rằng, giải pháp quan trọng đầu tiên là các cấp công đoàn phải nâng cao được nhận thức, quan điểm về tính bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Từ đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị các cấp đối với công tác cán bộ nữ.