Sau gần 3 năm xây dựng, với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/10.
Cơ sở NIC tại Hòa Lạc được khởi công xây dựng tháng 1/2021 với tổng vốn đầu tư khoảng 750 tỷ đồng. Với tổng diện tích sàn làm việc gần 20.000 m2, gồm 2 khối nhà làm việc và một khối nhà trung tâm hội nghị quốc tế, NIC Hòa Lạc là môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu. Đây đồng thời là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Việc thành lập NIC được coi là bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. NIC được kỳ vọng là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
"Trung tâm không chỉ kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, mà còn kết nối với mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới"- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Cùng với việc khánh thành cơ sở NIC Hòa Lạc, diễn ra Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC, gồm: nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, hydrogen và y tế.
Triển lãm thu hút sự tham gia khoảng 200 gian hàng của doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn như: Viettel, VNPT, Sovico, Masan, Becamex, VinFast, CT Group, MobiFone; các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Intel, Signify, John Cokerill và các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh chính nhấn mạnh, đây là "sự kiện 2 trong 1" rất quan trọng, mang ý nghĩa cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng bày tỏ rất vui mừng được biết có nhiều đối tác từ Mỹ như Synosyps, Cadence, Arizona, Nvidia... tham gia để cụ thể hóa các thảo thuận đã ký với NIC trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng vừa qua.
Qua đây, Thủ tướng cảm nhận được tinh thần quyết tâm và nhiệt huyết đổi mới sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp, mỗi người dân Việt Nam; tin tưởng vào năng lực đổi mới sáng tạo của các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cho biết, để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Các cấp các ngành và cả xã hội đã rất quan tâm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với những việc làm và hành động cụ thể, thiết thực.
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư đối với NIC, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam trong giai đoạn tới như ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen xanh; chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành, lĩnh vực.
Phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái đối mới sáng tạo, gồm khối doanh nghiệp, tập đoàn lớn; khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo; khối viện nghiên cứu, trường đại học; khối tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo…
Trong đó, luôn đặt doanh nghiệp, người dân là trọng tâm của đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ….
Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở nghiên cứu lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất hình thức hợp tác phù hợp với NIC ngày càng hiệu quả, mang lại lợi ích chung.
Tại sự kiện, dưới sự chứng kiến của Thủ trướng Phạm Minh Chính và các đại biểu diễn ra lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa NIC với 11 đối tác hàng đầu Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đào tạo như: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico, Tập đoàn Google, Tập đoàn SpaceX, Tập đoàn Intel, Tập đoàn Samsung…
Cùng với đó, Ban Tổ chức trao giải thưởng Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, vinh danh 12 giải pháp, trong đó có 4 giải pháp xuất sắc nhất gồm: nền tảng chuyển đổi số (oneSME) của VNPT; tự động hóa quy trình với trợ lý ảo (FPT akaBot) của FPT IS; nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất (MISA AMIS) của MISA và tiết kiệm năng lượng của Benkon.